Gọi là chợ nhưng người bán ít khi nói thách, người mua cũng không cần mặc cả mà chỉ cần tìm được món đồ ưng ý. Đôi khi người ta đến đây không phải để mua, cũng chẳng phải để bán, mà đơn giản để ngắm nhìn và hoà vào không khí nhộn nhịp nhưng không ồn ào của phiên chợ đồ cổ.
Thế giới đồ cổ đầy hoài niệm
Những món đồ xưa có tuổi hàng chục, thậm chí cả trăm năm. Có nhiều món là đồ gia dụng rất quen thuộc với mức giá dao động từ vài chục ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng.
Ở đây có khoảng 40 sạp hàng với các ngăn tủ đầy ắp những món đồ cũ được sắp xếp ngăn nắp, giúp người mua dễ ngắm nghía và lựa chọn. Từ chiếc bật lửa Zippo, đồng hồ cũ, bàn ủi than hình con gà trống, đèn dầu lửa bóng hột vịt, máy đếm đồng xu của Mỹ, các món nữ trang cổ, đĩa nhạc xưa, bình bi – đông hay những chiếc mũ cối từ thời kháng chiến chống Mỹ, tấm thẻ căn cước lâu đời hay thậm chí là cái loa trong rạp xiếc ngày xưa… Tất cả được lưu giữ một cách cẩn thận, cất giữ trang trọng, giống như một bảo tàng đồ cũ thu nhỏ.
Chợ đồ cổ nằm trong khuôn viên của quán cà phê Cao Minh, Q.Bình Thạnh
Có cảm giác như nhịp sống ồn ào của Sài Gòn đã bị bỏ lại ngoài kia. Trong này chỉ còn những người thư thái và nhàn nhã. Không khí bình yên đến lạ lùng, khách như quay ngược lại thế giới xưa cũ. “Tôi đến đây không chỉ buôn bán, trao đổi kinh nghiệm về đồ cổ, mà còn được thưởng thức không gian rất lạ ở đây” – Anh Trần Văn Huỳnh, chủ một sạp hàng đồng hồ cổ ở đây cho biết.
Chợ hoạt động từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều mỗi ngày, nhưng nhộn nhịp nhất có lẽ vào cuối tuần vì sẽ có nhiều sạp trưng bày đồ cổ hơn. Tại đây, bất kể khách tham quan, người mua, kẻ bán khi vào cổng đều mất một khoản phí 30 ngàn đồng. Phí này đã bao gồm một phần ăn hoặc uống.
Chiếc bàn là gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ
Cách cư xử giữa người mua và người bán tại đây rất hòa nhã. Khách tới tham quan, dù không mua cũng có thể tìm hiểu được nguồn gốc của các món đồ. “Nơi đây là cả một bảo tàng đồ cổ thu nhỏ, mỗi người một sạp và chủ sạp giống như người hướng dẫn bảo tàng. Tôi thích đến là vì vậy!” – anh Khánh, một khách ở Q.3, trao đổi với chúng tôi.
Yêu xe cổ hãy đến đây!
Với những người không biết chơi đồ cổ thì khu chợ giống như nhà kho phế liệu bởi những món đồ rất cũ, không sử dụng được hoặc không có giá trị. Nhưng với những người sành chơi đồ cổ thì đó là một câu chuyện khác.
Đây cũng là nơi hội tụ của những người đam mê xe cổ. Nhìn những chiếc xe “cổ lỗ sỉ” được người chơi tân trang “mới cóng” khiến bất cứ ai cũng phải phát thèm. Những con xe cổ, xe độ được xếp vào hàng ngay ngắn. Chủ nhân thong thả tìm một góc quán, gọi ly cà phê nhâm nhi, vừa ngắm xe người, vừa trầm trồ xe ta!
Nhiều dòng xe cổ được giới yêu xe cổ hội tụ về đây
Vài người quá hứng thú với xế “độc”, cứ mãi tới lui, đứng rồi lại ngồi, vuốt yên vuốt pô rồi lại xuýt xoa, cho thỏa cái thú chơi xe. Các dòng “vang bóng một thời” như Vespa, Mobylette, Honda 66, 67, 68, 69, 71, 72, Dax ST50… đều có mặt tại đây.
“Dân Sài Gòn người ta tìm mua các dòng Honda 66, 67… để độ lên, thay cho nó lớp vỏ bóng loáng và được ‘cưng như trứng’… Lúc trước ở Long An quê tôi, các loại xe trên được dùng làm đầu xe lôi. Chính quyền cấm loại xe này, tất cả trở thành… đồ cổ” – chủ xe Trần Phan Toại nói.Những chiếc xe bóng loáng thu hút sự tò mò của khách tham quan
Những chiếc xe cũ giờ là vật vô giá, là niềm đam mê của các tay chơi xe. Vào đây, họ chỉ cần nhâm nhi ly cà phê và “đàm đạo” với chiến hữu cùng sở thích về đủ thứ chuyện trên đời. “Vậy là đủ giải tỏa bao nhiêu bộn bề cuộc sống” – anh Toại chia sẻ.
Hà Thu, theo NTD