Tối 21/8, đông đảo người dân TPHCM đã đến Bến Nhà Rồng để thưởng thức chương trình Chính luận - Nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu”, do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, phối hợp cùng tỉnh Nghệ An và thành phố Hồ Chí Minh.
Xúc động, tự hào là cảm nhận chung của người dân thành phố mang tên Bác khi được xem một chương trình rất ý nghĩa vào đúng ngày giỗ của Bác Hồ (21/7 Âm lịch).
Hoạt cảnh múa "Sen tỏa" tại bến Nhà Rồng- TP.HCM |
Được xem chương trình “Muôn vàn tình thương yêu” ngay trên Bến Nhà Rồng - nơi năm xưa Bác ra đi tìm đường cứu nước, mọi người đều trào dâng niềm cảm xúc lâng lâng khó tả khi hình ảnh Bác Hồ được tái hiện thật giản dị, gần gũi và thân thương.
Chương trình có các trích đoạn kịch ngắn kể câu chuyện về Bác thật sâu sắc, khéo léo lồng vào những bài học, lời dặn dò của Bác đối với cán bộ đảng viên và nhân dân.
Trong đó nêu vấn đề cán bộ phải làm sao sống liêm khiết, chí công vô tư, để không có cảnh Bác phải đau lòng khi ký vào quyết định tử hình một đồng chí cán bộ trong kháng chiến. Hay chuyện về một gia đình nghèo mà Bác đến thăm trong đêm giao thừa, người mẹ phải bỏ lại hai con ở nhà, đi gánh nước thuê kiếm tiền đong gạo, trong nhà cũng không còn thức ăn, không có cặp bánh chưng để cúng giỗ tổ tiên trong thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới. Bác đã dặn cán bộ lãnh đạo phải cố gắng làm sao để cảnh này không tiếp diễn, phải làm sao lo cho dân được ấm no, hạnh phúc.
Cho đến hôm nay, những bài học đó vẫn vẹn nguyên giá trị, để từng cán bộ đảng viên khắc ghi lời dạy của Bác, sống sao cho xứng đáng với trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.
Khán giả TP.HCM chăm chú theo dõi chương trình đặc biệt "Muôn vàn tình thương yêu" |
Anh Bùi Minh Tuấn, đoàn viên thanh niên quận 4, TP.HCM nói: "Những điều Bác dạy là kim chỉ nam cho chúng ta học tập. Bản thân em học được ở Bác tính tiết kiệm, tiết kiệm tài sản công, tài sản của chính mình. Thứ hai là phải có trách nhiệm trong công việc".
Trong vở kịch "Phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau", khán giả lặng người khi nghe Bác nói với thư ký rằng “hãy mở radio để Bác nghe tiếng người”, nhiều người dân TP.HCM không kìm được nước mắt vì cảm nhận được tình thương yêu vô bờ của Bác dành cho dân tộc. Người đã sống cảnh cô đơn đến cuối cuộc đời – một cuộc đời thanh bạch, dành trọn vẹn cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, hình ảnh Bác đặt tay lên vai những người đồng chí, đồng đội, choàng tay ôm các cháu thiếu nhi vào lòng… như một lời chào tiễn biệt trước lúc đi xa.
Ông Huỳnh Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 8, TP.HCM bày tỏ: "Qua cầu truyền hình-phát thanh lần này anh em chúng tôi được ôn lại tình thương yêu của Bác đối với toàn thể dân tộc, làm thế nào hướng tới những hoạt động thiết thực hơn, học tập theo gương của Bác. Tôi quan tâm nhất là vấn đề xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch. Hiện nay, việc chống tiêu cực, phòng chống tham nhũng thì cựu chiến binh rất tích cực tham gia".
Anh Nguyễn Đức Lân, dân quân thường trực Ban Chỉ huy Quân sự phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM chia sẻ: Chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức lần này thật hay và ý nghĩa, như một nén tâm hương dâng lên Bác Hồ kính yêu, để cháu con nguyện sống xứng đáng với những gì Bác đã căn dặn.
"Tôi là một dân quân, dân ở trong quân và quân ở trong dân, bộ đội địa phương luôn sát cánh cùng nhân dân trong khó khăn, trong công tác và sản xuất. Đó là học tập theo Bác một cách thiết thực nhất" - anh Đức Lân nói.
"Bác đã đi xa 50 năm, nhưng bản Di chúc của Bác vẫn luôn vẹn nguyên giá trị, và dường như mỗi lần đọc thì vẫn thấy bản thân còn chưa làm được như những lời Bác dặn, nên tự tâm niệm phải học nữa học mãi để thực hiện cho được”. Đó là suy nghĩ của ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM sau khi xem chương trình Chính luận - Nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu”.
Điều ông Xuân Lâm tâm đắc nhất là trong bản Di chúc của Bác là Người luôn quan tâm chăm lo cho người dân Việt Nam làm sao được đủ ăn đủ mặc, được học hành và thể hiện được quyền công dân của mình trong một đất nước độc lập.
"Thực tế là 50 năm qua chúng ta đã cố gắng từng bước làm tốt theo Di chúc của Bác và trong tương lai, phải làm sao có thể giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn để Việt Nam trở thành một nước có thể sánh vai với các cường quốc năm châu" - ông Xuân Lâm chia sẻ.
Ca sĩ Thế Vĩ thể hiện bài hát "Dấu chân phía trước" tại đầu cầu TP.HCM |
Chương trình "Muôn vàn tình thương yêu" do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức đã chọn 3 điểm cầu rất có ý nghĩa: đó là quê hương của Bác ở Nam Đàn - Nghệ An; Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước và là nơi Bác sống và làm việc nhiều thời gian với nhiều kỷ niệm đáng nhớ; và đặc biệt là Bến Nhà Rồng - nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Chính điều này làm cho người dân ở TP.HCM cảm nhận niềm vui như được gặp Bác Hồ, được đón Bác vào thăm, thoả lòng mong ước của Người lúc sinh thời cũng như của toàn thể đồng bào miền Nam./.
Ảnh: Vinh Quang
Ngọc Xuân/VOV TPHCM