Văn hóa

Lễ cúng ông Công, ông Táo của người Việt trên đất nước Triệu Voi

15:45 - 17/01/2020
Trong những ngày này, bà con Việt Kiều tại Lào lại nhộn nhịp mua sắm Tết và chuẩn bị đồ lễ chu đáo tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời.

Cũng như phong tục và truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam, trong những ngày này, bà con Việt Kiều tại Lào lại nhộn nhịp mua sắm tết và chuẩn bị đồ lễ chu đáo tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời. Đây là nét đẹp mà bà con Việt Kiều Lào lưu giữ từ lâu đời. 

Bà Đầm và các cháu dỡ bánh để cúng ông Công ông Táo 

Từ sáng sớm, 23 tháng Chạp, trên các con phố có đông người Việt sinh sống như Đông Ba Lan, Phonxay, Naxay, That Luang, ai đi qua cũng có thể cảm nhận rõ rệt không khí mùa xuân ấm áp đang tràn về. Bà Nguyễn Thị Đầm, một phụ nữ ngoài 70 tuổi, đang sinh sống cùng con cháu trên phố Dongpalan cho biết, bà sang Lào sinh sống được hơn 60 năm.

Việc gói bánh chưng và hoàn tất công việc luộc bánh vào sáng ngày 23 tháng Chạp của gia đình bà có từ rất lâu. Ngoài việc có bánh để gia đình cúng ông Công, ông Táo, bà còn cung cấp cho anh em, họ hàng và người thân chuẩn bị lễ cúng gia tiên trong những ngày tết sắp tới. Những đứa cháu nội, ngoại của bà Đầm cũng rất háo hức khi nói về tết cổ truyền của Việt Nam cho dù vốn tiếng Việt của các em không được nhiều.

Cách nhà bà Nguyễn Thị Đầm chừng dăm mét là cửa hàng bán đèn lồng, bánh mứt và đồ vàng mã cúng ông Công, ông Táo của nhà anh Nguyễn Tuấn Dũng. Anh là người gốc quận 5, TP. Hồ Chí Minh, công việc chính của anh là bán thiết bị phụ tùng ô tô và xe máy, nhưng hôm nay cũng phụ vợ bán hàng tết. Anh Dũng cho biết, anh thích phụ vợ vì muốn được cảm nhận cái vị hăng hăng của củ kiệu muối, được hít hà mùi hương ngái ngái của lá dong cho đỡ nhớ quê hương: “Bán bánh bán mứt là năm nào cũng làm, phong tục của Việt Nam mình mà, không quên được. Anh bán lồng đèn trang trí, bán dưa món. Người Lào và người Việt đều rất thích. Đây là hàng bánh mứt, năm nào cũng bán không thể quên được. Lúc trước tự làm, năm nay lấy bên Việt qua".

Anh Dũng giới thiệu món kiệu muối được nhiều người ưa thích 

Rời con đường Dongpalan tấp nập, chúng tôi rẽ sang khu phố Phonxay, nơi có ngôi chùa Phật Tích nguy nga, mang đậm kiến trúc và tín ngưỡng văn hóa Việt Nam tại thủ đô Vientiane. Trước cửa chùa là cửa hàng bán đồ vàng mã và đồ lễ của chị Nguyễn Thị Hà, người phụ nữ quê Tuyên Quang. Chị Hà cho biết, chị và chị gái sang Lào lập nghiệp được 18 năm, đồ lễ cửa hàng chị đa dạng về chủng loại để phục vụ khách, từ những gia đình có điều kiện đến những gia đình bình dân, một bộ đồ vàng mã cúng ông Công, ông Táo dao động từ 60.000 đến 120.000 kíp tương đương với 150.000 đến 300.000 đồng. Ngoài ra, chị còn bán hoa tươi, bánh chưng...

“Nhà em toàn bộ bán ở nhà chỉ còn bình thường ngày, rằm, lễ tết em bán ở chùa Phật tích này. Năm nay nói chung người Việt về nhiều, hàng hóa tiêu thụ không bằng các năm khác, ở đây có mấy chị em người nhà bán và thuê mấy người Lào nữa phụ cho”, chị Hà chia sẻ.

Hàng được bày bán trên phố Phonxay, tại thủ đô Vientiane 

Truyền thống cúng ông Công, ông Táo không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong tín ngưỡng đối với người dân Việt Nam mà cả người phụ nữ Lào làm dâu gia đình Việt Kiều. Chúng tôi tình cờ gặp chị Phayvanh người phụ nữ Lào đang lựa chọn đồ lễ. Tuy tiếng Việt không giỏi nhưng dường như chị lại rất thạo các thứ cần thiết để chuẩn bị cho một cái lễ cúng ông Công, ông Táo và gia tiên, chị Phayvanh cho biết: “Chị mua cụ này. Bố mẹ chồng là người Việt. Bà nội chồng chị cũng là người Việt. Cúng ở nhà hay cúng ở khách sạn thì đều theo người Việt hết”.

Chị Phayvanh người con dâu Việt Kiều lựa chọn đồ lễ

Trong những ngày cuối năm này, lượn quanh các con phố có đông người Việt sinh sống, chúng tôi có thể cảm nhận rõ rệt không khí tết đang ùa về. Cái nắng vàng như rót mật đặc trưng của xứ Lào cộng hưởng với màu đỏ của đèn lồng, màu vàng tươi của sính lễ đem đến cho mọi người hy vọng về một năm mới an khang, về một tương lai tươi sáng, bình yên và đủ đầy./.

PV/VOV-Vientiane/VOV.VN