Căn nhà nhỏ của ông Võ Văn Rạng nằm cuối một con hẻm trên đường Lý Chính Thắng, Quận 3, TP. HCM. Hàng ngày, công việc của ông là ngồi tỉ mẩn khâu vá, chấp nối từng trang sách cũ. Tính đến nay, ông đã theo nghề phục chế sách cũ này được hơn 40 năm.
Theo ông Võ Văn Rạng, ngày xưa ông đi làm thuê cho các cơ sở in, sửa chữa sách. Theo quá trình phát triển xã hội, các cơ sở này dừng hoạt động và tuổi ông cũng đã cao nên tự nhận về nhà làm riêng.
Quy trình để phục chế 1 cuốn sách cũ có rất nhiều bước. Đầu tiên là phải tháo chỉ ra theo từng tép một.
Tờ nào bị rách thì dán lại, rồi sắp xếp thành 1 cuốn gọn gàng.
Sau đó mới bắt đầu may các tép đã tháo ra thành 1 cuốn hoàn chỉnh, rồi làm bìa.
Nếu bìa cuốn nào còn tốt thì giữ lại, còn những cuốn bị rách hoặc nát quá thì phải thay thế bằng vật liệu khác.
Theo ông Rạng, những cuốn sách mà khách hàng mang đến có giá trị kinh tế không cao, nhưng lại rất quý về giá trị tinh thần, bởi chủ yếu là đồ kỷ niệm. Khách hàng muốn tân trang để lưu lại sau này cho con cháu của mình xem.
Khách hàng của ông chủ yếu là những người lớn tuổi, hoặc có niềm đam mê và yêu quý sách cũ.
Thoạt nhìn thì thấy nghề “chữa bệnh” cho sách cũng khá đơn giản, chỉ cần kim chỉ, vài tấm bìa cứng, hồ dán và dao kéo là có thể hành nghề. Nhưng việc làm này đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo khi lật giở từng trang, dán từng mảnh sách, khâu từng bờ gáy.
Cũng theo ông Rạng, làm công việc này không được nóng vội, nếu hôm nay làm không xong thì mai làm tiếp. Phải cẩn thận và tỉ mỉ cho từng giai đoạn.
Tiền công đóng hay sửa chữa mỗi cuốn sách chỉ dao động từ 50.000 - 100.000 đồng, tùy vào mức độ hư hỏng và độ dày của sách. Thu nhập từ nghề đóng sách quả thực bấp bênh và không cao. Vậy nên người thợ gắn bó với nghề không chỉ vì mưu sinh, mà còn là để giữ gìn những quyển sách cũ.
Công việc phục hồi sách cũ này hiện chỉ còn mình ông theo nên giới yêu sách tại TP.HCM phong ông là “bác sĩ sách cuối cùng tại TP. HCM”./.
Hoàng Dương/VOV TPHCM