Ngay từ đầu tháng 7/2019, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã đi tiên phong trong việc sử dụng túi giấy phát thuốc cho người bệnh thay cho túi nhựa. Ban đầu, người bệnh rất ngạc nhiên khi nhận túi giấy, nhưng khi thấy việc này đều đặn, đồng thời được nhân viên y tế ở đây tích cực tuyên truyền về ý nghĩa bảo vệ môi trường thì mọi người đều hào hứng, ủng hộ bệnh viện thực hiện thay đổi này.
PSG.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết hiện nay các vật dụng đang dùng tại các khoa, phòng của bệnh viện này đều không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, đặc biệt không sử dụng chai nhựa tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị. Thay vào đó, sẽ sử dụng ly thủy tinh, bình kim loại… để phục vụ các hoạt động diễn ra tại bệnh viện này.
Đặc biệt, mới đây bệnh viện này còn mở một chương trình với tên gọi “Giảm rác thải nhựa – tăng màu sống xanh năm 2019” nhằm tạo sân chơi cho cán bộ, nhân viên y tế chung tay hạn chế rác thải nhựa và nâng cao ý thức tái sử dụng các rác thải nhựa tại chính đơn vị công tác, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa mỗi ngày.
Tham gia chương trình này, các nhân viên y tế ở đây đã biến rác thải nhựa thành những vật dụng hữu ích phục vụ cho công việc và cuộc sống hằng ngày. Đó là những chai, lọ đựng thuốc bằng nhựa hàng ngày bị thải ra được tái chế thành những lọ đựng bút, chậu cây, đồng hồ…
Từ những chai, lọ đựng thuốc bằng nhựa hàng ngày bị thải ra, các nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã tái chế thành những lọ đựng bút, chậu cây, đồng hồ… Ảnh: N.P
Các nhân viên y tế ở đây còn dùng những vỏ hộp thuốc bằng nhựa thải ra tái chế thành cây xương rồng phối với lọ đựng bút đặt cạnh bàn làm việc mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc, nhằm nhắc nhở nhân viên y tế phải cẩn trọng, không để xảy ra sai sót làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và an toàn của người bệnh.
Bất ngờ nhất là những chiếc muỗng nhựa đã được chế tác thành những chiếc đồng hồ xinh xắn mang ý nghĩa “mỗi giờ trôi qua chúng ra hãy cùng nhau làm cho thế giới xanh hơn”.
Ngoài ra, nhiều chai nhựa, ly nhựa sử dụng 1 lần cũng được các nhân viên y tế ở đây sáng chế ra các vật dụng văn phòng như: ống cắm bút, lọ hoa, hộp đựng ghim bấm... không chỉ làm giảm rác thải nhựa sinh hoạt ra môi trường mà còn làm giảm chi phí mua dụng cụ văn phòng của bệnh viện.
Bên cạnh đó, các nhân viên y tế của bệnh viện còn thực hiện nhiều tác phẩm vô cùng sáng tạo và mang tính ứng dụng cao. Điển hình như sản phẩm “túi xanh hi vọng” - sản phẩm tái sử dụng từ vật liệu thừa. Túi rất dễ thực hiện, đơn giản, tính tiện dụng, thẩm mỹ cao. Chất liệu chính của túi cũng thân thiện môi trường, có thể sử dụng nhiều lần, thay thế túi nilon trong khoa.
ThS Đặng Anh Long – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ: việc tạo ra những sản phẩm thiết thực, đầy tính nghệ thuật từ rác thải nhựa góp phần nâng cao nhận thức, mối quan tâm của nhân viên y tế, hình thành thói quen giảm rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.
“Qua chương trình này, chúng tôi mong muốn các nhân viên y tế ở đây phát huy, nhân rộng, tiếp nối các hoạt động ý nghĩa, cùng chung tay lan tỏa thông điệp “giảm rác thải nhựa – tăng màu sống xanh”, ông Long nói.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhu cầu tiện ích phát triển không ngừng, một trong số đó là gia tăng sử dụng các vật dụng từ nhựa như túi nilon, chai nước, ống hút… trong sinh hoạt hằng ngày. Thế nhưng, bên cạnh sự tiện lợi thì hậu quả để lại cho môi trường rất đáng lo ngại.
Theo các chuyên gia về môi trường mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra, trôi nổi trên các đại dương. Chính vì vậy, ô nhiễm rác thải nhựa đang là một vấn đề cấp bách trên toàn cầu với những hậu quả nặng nề về sinh thái gây tác động tiêu cực đến các loài chim và sinh vật biển, an toàn thực phẩm, du lịch sinh thái và nhiều lĩnh vực môi trường khác.
Theo motthegioi.vn