Sau mùa lễ hội 2018, các chuyên gia nhận định: Nhiều hoạt động trái luật, thiếu văn hóa của các lễ hội tại địa phương đã phần nào được khắc phục. Tuy nhiên, những hiện tượng phản cảm như: Tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc, đốt vàng mã... vẫn diễn ra. Nên trước mùa lễ hội năm 2019, nhiều địa phương đã “lên kịch bản” để tiếp tục đưa lễ hội trở về đúng với văn hóa truyền thống.
Đơn cử, những lễ hội mang tính bạo lực như chọi trâu ở Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hà Nội đã đều bị “nói không”. Một số địa phương có lễ hội chọi trâu truyền thống như Phù Ninh chỉ tổ chức các nghi lễ truyền thống, hình thức chọi trâu bị tạm dừng chờ đề án tổ chức mới. Thậm chí, hình thức chọi gà ở Hội Lim cũng được loại bỏ để đồng nhất quan điểm với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) rằng các địa phương không được tổ chức các lễ hội mang tính bạo lực.
Nhiều lễ hội cũng thay đổi cách thức thực hiện để chấn chỉnh tình trạng bạo lực như: Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) không còn cướp lộc mà chuyển thành phát lộc. Lễ hội đền Trần (Nam Định) không còn phát ấn “giờ thiêng” mà chuyển sang phát ấn vào buổi sáng. Ngay như địa phương từng có nhiều lễ hội gây tranh cãi như Phú Thọ cũng có chủ trương thay đổi.
Tuy nhiên, câu hỏi đang được đặt ra: Việc thay đổi hình thức lễ hội cũng như việc quản lý quá chặt chẽ có làm mất đi ý nghĩa văn hóa truyền thống vốn có của lễ hội? Trong khi, bản chất của lễ hội là sự thăng hoa của cộng đồng. Đó cũng là điều khiến nhiều lãnh đạo địa phương băn khoăn trong buổi trao đổi với Bộ VH-TT&DL về hoạt động quản lý lễ hội.
Theo ông Nguyễn Việt Trung - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ - từ năm 2018, Phú Thọ đã lên phương án tổ chức lễ hội trên địa bàn. Đơn cử, lễ hội cầu trâu ở xã Xuân Quang, xã Hương Nha, ban tổ chức sẽ không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà chỉ có phần hội, văn nghệ, thể thao.
Lễ hội cướp phết ở Hiền Quan năm nay vẫn được Phú Thọ tổ chức. Nhưng để ngăn chặn cảnh xô xát cướp phết, chính quyền sẽ dựng 4 lớp rào bằng cọc gỗ lớn, chăng dây thừng. Giữa các lớp rào này là đội ngũ công an các cấp ở địa phương đứng làm nhiệm vụ. Lượng người tham gia cướp phết cũng sẽ giảm một nửa so với năm trước, chỉ còn khoảng 100 người chia thành hai đội.
Song, từ những phương án đó, ông Trung đặt ra mối băn khoăn: Đông đảo người dân vẫn mong muốn được thực sự cướp phết trong lễ hội chứ không phải chỉ là diễn, nên ban tổ chức vẫn đang phân vân giữa hai phương án diễn cướp phết hay cho người dân thực cướp phết như truyền thống.
Ông Nguyễn Đức Bình - Trưởng ban Quản lý di tích đền Trần cho biết: 6 năm nay, đền Trần chỉ phát ấn buổi sáng, không phát vào nửa đêm. Việc này giúp hạn chế được tình trạng tranh giành, chen lấn…, ban tổ chức cũng “nhàn” hơn, nhưng dường như cả ban tổ chức và người tham gia đều không có niềm vui trọn vẹn. Bởi lẽ, truyền thống phát ấn đền Trần là tổ chức vào ban đêm và những người cao tuổi ở địa phương không ngừng mong muốn khôi phục nghi lễ phát ấn đúng với truyền thống.
Thực tế, tổ chức lễ hội truyền thống an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân… là điều địa phương nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện được những tiêu chí căn bản đó không hề dễ dàng, vẫn đang là “bài toán khó” ở các địa phương.
Xét cho cùng, những hành vi phản cảm xuất phát từ những hành động như chen lấn, xô đẩy, trục lợi từ lễ hội… đều xuất phát từ một bộ phận người dân thiếu ý thức. Nên chăng, trong khi các cấp quản lý đã cố gắng thay đổi để lễ hội được diễn ra an toàn, thực sự trở thành ngày hội phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân… thì cũng đã đến lúc mỗi người dân cần ý thức hơn khi tham dự lễ hội. Có như vậy, lễ hội mới thực sự trở về đúng nghĩa văn hóa truyền thống của dân tộc.
Anh Vũ (theo petrotimes.vn)