Áo dài ngũ thân truyền thống
Hướng đến “Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam”, ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng lại nét đẹp văn hóa truyền thống từ việc mặc áo dài ngũ thân nam giới. Trong đó, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh đã thống nhất toàn bộ cán bộ khối văn phòng mặc áo dài truyền thống đi làm vào ngày thứ Hai đầu tiên của mỗi tháng.
Anh Đỗ Văn Lân, một người đân thành phố chia sẻ: “Tôi thấy, việc mặc áo dài ngũ thân để làm sống lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc, sẽ khẳng định được hình ảnh của văn hóa Việt Nam, góp phần khẳng định tính tự chủ về văn hóa của đất nước mình, đồng thời, cũng mong muốn chiếc áo dài ngũ thân Huế sẽ được các cơ quan chức năng, các ban ngành quan tâm nhiều hơn để trở thành hình ảnh nhận diện của đất nước mình.”
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đã có những đề xuất gửi đến UBND tỉnh đề nghị tăng cường quảng bá áo dài, trong đó, chú trọng đến áo dài ngũ thân truyền thống mà chúa Nguyễn Phúc Khoát đã khai sinh, tiếp đến được vua Minh Mạng đưa trở thành “Quốc phục”.
Cán bộ Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế trong trang phục áo dài ngũ thân
Sở Văn hóa Thể thao sẽ là đơn vị tiên phong quảng bá chiếc áo dài ngũ thân, không chỉ nữ mà cả nam công chức, viên chức của Sở. Sở cũng mạnh dạn đề nghị các Sở, ngành khác mặc áo dài ngũ thân trong các dịp lễ, các sự kiện quan trọng của địa phương.
Theo ông Phan Thanh Hải, Sở Văn hóa Thể thao cũng đang nghiên cứu và xây dựng hồ sơ công nhận áo dài truyền thống là di sản văn hóa phi vật quốc gia; và hướng đến là đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Vừa rồi chúng tôi đã nghiên cứu và trang bị cho cán bộ, cả nam cả nữ khối văn phòng trang phục áo dài truyền thống. Đặc biệt, đối với người nam, khi tạo nên hình ảnh thì nó cũng sẽ rất đẹp, lịch lãm, trang nhã và rất truyền thống. Chúng tôi cho rằng áo dài ngũ thân nó đẹp, rất tiện dụng, mặc mùa hè cũng được, mặc mùa đông cũng được. Đấy là trang phục đã được thử thách qua hàng trăm năm rồi,” ông Phan Thanh Hải khẳng định.
Tuy nhiên, việc mặc áo dài ngũ thân của cán bộ Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến phản đối.
Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình Làng Việt, tỉnh Thừa Thiên Huế cần lắng nghe dư luận xem xét việc mặc trang phục áo dài tại các không gian nghi lễ và không gian văn hóa truyền thống. Về việc mặc áo dài ngũ thân đi giày Tây, hay đi guốc…, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng, từ thời vua Khải Định đã có sự kết hợp mang giày Tây màu đen với áo ngũ thân cũng khá phù hợp.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mang áo dài ngũ thân tiếp Đại sứ Australia
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ông chọn mặc áo dài ngũ thân trong các sự kiện ngoại giao trang trọng: “Tất cả các buổi tiếp đại sứ tôi sẽ măc áo dài. Mặc áo dài để khẳng định áo dài là một nét đẹp truyền thống, phải là một biểu tượng văn hóa Việt Nam nói chung và biểu tượng văn hóa Huế, bản sắc văn hóa Huế nói riêng."
Áo dài truyền thống là một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa Việt Nam. Áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc đáo. Việc mặc trang phục này vào lúc nào và ở đâu thì cũng nên cân nhắc thấu tình hợp lý./.
Lê Hiếu/VOV Miền Trung