Phim "Vợ ba" với kinh phí khủng và gặt hái nhiều giải thưởng ở nước ngoài, nhưng cũng gây tranh cãi rất nhiều trên mạng truyền thông vào báo chí.
Trước khi bàn vào vấn đề cụ thể của phim "Vợ ba" thì tôi phải nói rất thật là quy chế luật lệ của ngành Điện ảnh trong nước còn nhiều lỗ hổng hay chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng trẻ em vào việc đóng phim hay các hình thức nghệ thuật khác như thế nào, điều luật nào để bảo vệ các trẻ em dưới tuổi vị thành niên trong lao động nghệ thuật?
Một vài ví dụ cụ thể để các bạn làm phim trong nước biết: Ở Châu Âu khi trẻ em tham gia đóng phim thì đoàn làm phim phải tuân thủ luật pháp mà cơ quan bảo vệ thanh thiếu niên sẽ là nơi trực tiếp theo dõi, đoàn làm phim chỉ được phép sử dụng các cháu nhiều nhất là 4 tiếng trong 1 ngày. Nếu các cháu tham gia đóng phim nhiều ngày, phải nghỉ học ở trường thì đoàn làm phim phải làm đơn xin phép cho các cháu nghỉ học và thuê giáo viên nửa ngày dạy học cho các cháu theo chương trình của nhà trường.
Trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi phải có người giám hộ đi theo, thường là cha hay mẹ trong suốt cả quá trình làm phim và phải trả kinh phí cho người giám hộ. Không được quay những cảnh bạo lực quá rùng rợn và những cảnh có tính chất gợi dục khiêu dâm vi phạm luật định bảo vệ trẻ em dưới vị tuổi thành niên.
Trà My vào vai Mây khi mới 13 tuổi
Khi làm phim có diễn viên nhỏ tuổi có rất nhiều điều luật mà nhà sản xuất phim phải hiểu biết, không phải chỉ đến nhà động viên ký kết, cam đoan với nhân vật và cha mẹ chúng là đủ.
Các bạn làm không đúng do kém hiểu biết thì các cơ quan pháp luật sẽ kiện nhà sản xuất bỏ qua sự thoả thuận của gia đình với đoàn làm phim. Nhiều gia đình bên Đức bị truất quyền nuôi con vì đã vì phạm luật lệ này.
Hiện nay, có rất nhiều ý kiến, khen chê và bênh vực phim "Vợ ba". Nhiều người bảo vệ ý đồ nghệ thuật, nhiều người cho đó là sự ghen ghét và đố kỵ nên đã giết chết tác phẩm và cản bước phát triển nghệ thuật, tài năng đạo diễn trẻ.
Tôi không chống lại ý đồ nghệ thuật, vì không có nó thì phim ảnh và các lĩnh vực nghệ thuật khác không thể phát triển. Nghệ thuật cần phải đổi mới, sáng tạo, táo bạo thì mới tạo ra tác phẩm hay và được công chúng đón nhận.
Nhưng tôi cho rằng, người nghệ sỹ dù có muốn sáng tạo đến đâu cũng phải tôn trọng pháp luật, nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm như sex, cảnh nóng với diễn viên quá nhỏ tuổi.
Ở Đức, nếu các bạn quay những cảnh như trong phim "Vợ ba" mà không dùng những diễn viên lớn tuổi hơn đóng thế những cảnh nhạy cảm, thì đạo diễn, nhà sản xuất không tránh khỏi việc bị công chúng lên án và cả ekip có thể bị đưa ra tòa và phạt rất nặng. Sau 22h trẻ em không được phép lên sân khấu biểu diễn, vì đó là giờ ngủ của trẻ. Chụp ảnh trẻ em đưa lên mạng xã hội mà lộ phần nhạy cảm sẽ bị truy tố. Vậy, huống hồ làm phim?
Nhiều điều mâu thuẫn xảy ra khi các nhà làm phim dùng trẻ em dưới vị tuổi thành niên, quay những cảnh nóng, những cảnh rùng rợn, xong phim mang ra rạp chiếu lại cấm trẻ em dưới 18 tuổi xem. Hóa ra chỉ có người lớn mới được phép lạm dụng trẻ em cho công việc của mình? Hay họ biết mà cố tình vi phạm luật để gây bão trên truyền thông, gây tính tò mò của đám đông để quảng bá cho phim? Nếu biết mà cố tình làm sai luật thì không thể chấp nhận được.
Một cảnh nhạy cảm trong phim
Đạo diễn cố tình xây dựng tiết tấu chậm làm khán giả Châu Âu thấy khó chịu, nhưng không cần phải chậm đến khó chịu mới lột tả được xã hội cũ. Có nhiều cách làm vẫn lột tả được cái bức bối của xã hội phong kiến mà khán giả hiện đại không nhàm chán khi xem.
Diễn biến của tâm lý nhân vật cũng sai hoàn toàn. Ngày đó những cô gái 13 tuổi hoàn toàn rất trẻ con, không thể táo bạo như các cô gái 13 tuổi thế kỷ này. Các cô gái 13 tuổi khi bị ép duyên làm sao có được những rung cảm về sex tự nhiên như nhân vật trong phim? Làm sao cô gái 13 tuổi bò dưới đất đến chân ông chồng già lại tự nhiên và có nét mặt ma mị khi ông chồng già dở trò chơi sex với vợ nhỏ của mình như vậy ?
Cô Mây trong phim đã có khái niệm phải đẻ bằng được cậu con trai cho ông chồng già để bon chen lên hàng vợ cả. Ở tuổi 13 ngày xưa chưa thể hình thành tính cách này, lúc đó cô ta còn là trẻ con nông thôn. Bình thường ở tuổi 13 thì cô ta phải sợ sex, nhất là với một người đáng tuổi bố mình, đằng này cô nằm sẵn sàng đón nhận sex của gã đàn ông một cách tò mò và có vẻ thích thú?
Lối nghĩ này là của đạo diễn Phương Tây, đành rằng ở tuổi 13 là tuổi dậy thì, nhưng tò mò về sex thì chỉ có ở các cô gái thành thị chứ không ở nông thôn.
Xem xong phim thấy đạo diễn thiếu hiểu biết về cuộc sống, văn hoá tập tục của người dân đồng bằng Bắc bộ thời phong kiến.
Cảnh tắm suối đẹp mơ màng nhưng không phải là hình ảnh đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ
Thời đó người dân đa phần mặc 2 màu, trắng và nâu, không ăn mặc màu sắc loè loẹt như trong phim, người dân chỉ mặc các mầu khác khi có lễ hội và ngày tết.
Phim có thể hư cấu nhiều tình tiết, nhưng vẫn phải bám sát và tôn trọng nét văn hóa của thời đó, bằng không sẽ làm cho khán giả hiểu là phim này quay về dân tộc khác chứ không phải phim nói về người Việt thời xa xưa.
Phạm Mạnh Cường, bài đăng trên vov.vn
Tác giả Phạm Mạnh Cường tốt nghiệp kỹ sư âm thanh cho phim và vô tuyến truyền hình tại trường ĐH Điện ảnh Konrad Wolf - Potsdam Babelsberg (Đức) năm 1992. Đã làm việc cho các đài truyền hình WDR, ORD, ZDF... 25 năm liên tục là kỹ sư hình ảnh và âm thanh của hãng Kinoton Đức, 25 năm là kỹ sư Service cho liên hoan phim Berlinale (giải gấu vàng) và liên hoan phim những nước Đông Âu tại Cottbus (Đức). |