Vịt quay Lạng Sơn. Ảnh AT
Lâu nay, vịt quay mắc mật trở thành món ăn đặc sản xứ Lạng và du khách đến đây không quên thưởng thức món ăn này đầu tiên.
Để có được món vịt quay mang đậm “chất” xứ Lạng, người đầu bếp phải tỉ mẩn từ khâu chọn vịt, tẩm ướp gia vị đến khâu quay vịt.
Khi chín da vịt có màu vàng nâu đẹp mắt và hấp dẫn. Ảnh AT
Vịt để quay với lá mắc mật thường là loại vịt bầu, vừa đủ lớn, không quá già cũng không quá non. Khi vặt lông vịt, người dân sẽ làm một cách chớp nhoáng, tránh ngâm lâu trong nước sẽ bị nhạt thịt và bị tanh. Vịt làm sạch, bỏ bộ lòng, rửa sạch rồi chần qua nước nóng để thịt vịt săn lại.
Gia vị để ướp vịt là hỗn hợp gồm: hành băm, đậu phụ nhĩ, tương tàu, thảo quả, hạt nêm, nước mắm, mì chính, mỡ nước, mật ong, quả và lá mắc mật. Dựa vào kinh nghiệm và bí quyết riêng, người đầu bếp lựa chọn mỗi loại gia vị với lượng phù hợp, đủ để nhồi vào bụng vịt và để lại một ít để sử dụng trong quá trình quay vịt.
Cho hỗn hợp gia vị trên vào xào chín, nhồi gia vị vào bụng vịt, khâu kín bụng vịt lại. Sau đó phết ra ngoài và cả trong bụng vịt một loại nước sền sệt, trong đó bao gồm mật ong, ít xì dầu, đường mạch nha…
Vịt được quay trên than hồng. Trong quá trình quay, người đầu bếp phải thường xuyên quết phần hỗn hợp gia vị còn lại lên mình vịt và để lửa than vừa phải để vịt được chín đều.
Vịt chín da căng bóng, tỏa mùi thơm ngậy của thịt vịt và lá mắc mật. Khi chặt vịt quay, người ta thường khéo léo chắt lấy lại phần nước trong con vịt, trộn thêm các gia vị để chấm vịt thay cho xì dầu hay nước mắm thông thường.
Miếng thịt thơm ngào ngạt hương mắc mật, ngọt ngậy vị mật ong; từng lớp da, mỡ, thịt xen kẽ nhìn thôi đã ưng mắt đói bụng.
Du khách phương xa rời xứ Lạng sẽ mang theo trong hành trình của mình những hương vị thơm ngon, nồng nàn hương mắc mật từ món vịt quay đặc sắc và mong sớm có cơ hội được quay lại nơi này.
Theo laodong.vn