“Đệ nhất động” của xứ Lạng
Bất cứ ai đến Lạng Sơn đều không thể bỏ qua “Trấn danh bát cảnh” gồm hệ thống động Nhất - Nhị - Tam Thanh, núi Tô Thị, bến đá Kỳ Cùng, thành nhà Mạc, chùa Tiên, Mẫu Sơn, trong đó, Nhị - Tam Thanh được mệnh danh là “đệ nhất động” của xứ Lạng. Nằm ở trung tâm thành phố Lạng Sơn (phường Tam Thanh), Khu di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh trải rộng trên diện tích 52ha, gồm nhiều hang động tự nhiên kỳ thú. Theo các tài liệu địa chất, các hang động này được hình thành cách ngày nay khoảng 250 - 350 triệu năm.
Động Nhị Thanh được danh nhân Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) phát hiện và hưng công xây dựng cùng chùa Tam Giáo, đình Duyệt Quân, Thạch Miên am... vào năm 1779. Để tưởng nhớ công ơn người đã mở mang ruộng đất, cứu người dân 7 châu ở Lạng Sơn thoát cảnh chết đói và xây dựng Lạng Sơn thành khu thương mại sầm uất nơi biên cương, người xưa đã khắc chân dung và lập ban thờ ông trong động Nhị Thanh.
Chùa Tam Giáo là nơi thờ Khổng Tử, Lão Tử và Phật Thích Ca. Toàn bộ không gian thờ cúng của chùa được đặt trong động, tạo nên sự gắn bó giữa thiên nhiên với con người. Chảy dọc theo đường vào động Nhị Thanh dài 500m là suối Ngọc Tuyền trong vắt. Trên vách đá là 20 văn bia Ma Nhai ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên và con người xứ Lạng. Không gian bên trong động rộng lớn, với thác nước đổ theo khe đá cùng nóc hang cao vút có cửa thông thiên. Dưới chân thác nước, Ngô Thì Sĩ đã cho tôn thềm đất để làm sân khấu - nơi người dân thưởng thức văn nghệ trong những dịp lễ hội.
Nằm ở phía bắc động Nhị Thanh, động Tam Thanh gây ấn tượng mạnh bởi vòm hang khổng lồ, bên trong là chùa Tam Thanh. Căn cứ theo thông tin ghi trên tấm bia đá có niên đại Vĩnh Trị thứ 2 (1677), có thể đoán rằng, chùa đã có từ trước đó. Trong chùa hiện còn lưu giữ bức phù điêu A Di Đà được tạo tác từ thế kỷ XVII, theo thế đứng trong hình chiếc lá bồ đề in trên vách đá.
Điểm nhấn của động Tam Thanh là hồ Âm Ti nằm giữa lòng động. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, động Tam Thanh là kho hậu cần và là nơi chứng kiến những trận đánh ác liệt. Nơi đây có nhà bia tưởng niệm 9 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp (tháng 5-1953).
Độc đáo “nhà hát” trong động
Lâu nay, đa phần du khách thường đến động Nhị - Tam Thanh vào ban ngày và ít có dịp xem trình diễn hát then truyền thống của người Tày, Nùng ngay trong lòng động vào buổi tối. Chương trình nghệ thuật mang tên “Lạng Sơn - Đêm huyền bí” được Công ty TNHH Trọng Tín xây dựng trong năm 2021, dự kiến sẽ chính thức được đưa vào phục vụ khách trong năm 2022.
Chương trình gồm hoạt cảnh về việc Ngô Thì Sĩ mở mang bờ cõi, xây dựng vùng đất Lạng Sơn cùng các tiết mục hát then, đàn tính, hát sli truyền thống do chính người dân bản địa trình diễn. Đây là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo mà thành phố Lạng Sơn dự kiến đưa vào khai thác trong thời gian tới. Chương trình nhận được sự phản hồi tích cực từ nhiều doanh nghiệp lữ hành đến từ Hà Nội.
Giám đốc Công ty TNHH Fivestar Travel Lương Duy Doanh chia sẻ: “Mặc dù đã đưa khách đến Lạng Sơn nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một chương trình du lịch tâm linh, trải nghiệm văn hóa thú vị như “Lạng Sơn - Đêm huyền bí”. Động Nhị - Tam Thanh vốn đã rất đẹp vào ban ngày nhưng về đêm, không gian nơi đây càng trở nên linh thiêng, huyền bí hơn, khiến du khách dễ dàng cảm nhận được cái hồn cốt, tinh túy của xứ Lạng. Đây sẽ là sản phẩm “đinh” để các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đưa vào quảng bá trong chương trình liên kết với các doanh nghiệp của Lạng Sơn để đưa khách đến trong thời gian tới”.
Sau khi thưởng thức buổi biểu diễn này, nhiều người đã phải trầm trồ bởi không gian văn hóa độc đáo tại động Nhị Thanh và gọi đó là “nhà hát của thiên nhiên”. Nói về thử nghiệm táo bạo này, ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc chiến lược Công ty TNHH Trọng Tín cho biết: “Trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, chúng tôi mạnh dạn đưa vào thử nghiệm chương trình này để tạo nên những sản phẩm độc đáo, khác biệt.
Cùng với Phố đi bộ Kỳ Lừa, chợ đêm Kỳ Lừa, chương trình “Lạng Sơn - Đêm huyền bí” sẽ góp phần quảng bá tiềm năng du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh của tỉnh Lạng Sơn, đồng thời góp phần gia tăng trải nghiệm cho du khách, khuyến khích phát triển kinh tế du lịch đêm theo chủ trương của Chính phủ, qua đó thu hút khách đến Lạng Sơn nhiều hơn sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát”.
Theo Báo Hà Nội mới
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |