Ngôi chùa được xây dựng trên núi Thiên Ấn từ năm 1695 (đời chúa Nguyễn Phúc Chu) với mặt quay về phía nam hướng về sông Trà Khúc. Con đường đi lên chùa men theo sườn phía Nam núi Ấn theo hình xoắn ốc. Đường đủ rộng, có độ dốc thoai thoải, bởi thế có thể lên chùa bằng ô tô hoặc xe máy rất thuận tiện. Du khách cũng có thể thong thả đi bộ lên đỉnh núi để vãn cảnh chùa.
Không gian thanh tịnh trong vườn chùa
Vườn chùa rộng, có tường thành bao quanh. Đầu ngõ, hai trụ cổng đúc bằng xi măng sừng sững, cao khuất đầu người lớn. Hai cánh cổng bằng sắt đồ sộ, luôn rộng mở chào đón khách thập phương. Bên ngoài cổng có những khóm trúc vàng râm mát, qua bao năm vẫn đứng yên bình và thanh thản. Đây là nơi để mọi người nghỉ chân, uống nước chuẩn bị cho cuộc hành trình bên trong.
Khuôn viên chùa Thiên Ấn nằm trên khoảng đất rộng ẩn dưới bóng cây cổ thụ mang dáng vẻ u tịch. Chùa có kiến trúc đơn giản, theo kiểu kiến trúc nhà Rường (loại nhà có hệ thống kết cấu cột kèo bằng gỗ, được liên kết hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ). Gian chùa chính ở phía trước, phía sau là khu nhà tổ. Trong chùa Thiên Ấn hiện còn quả “chuông thần” rất quý do các nghệ nhân làng đúc đồng Chú Tượng (Mộ Đức) tạo tác vào năm 1845. Trải qua bao thế kỷ tiếng chuông chùa vẫn vang vọng khắp không gian rộng lớn
Kiến trúc chùa có từ thế kỷ 17
Xung quanh chùa có khu vườn tượng với những vườn hoa cây cảnh, có những hàng ghế đá cho khách ngồi nghỉ. Phần lớn tượng ở đây là do những người con Quảng Ngãi xa quê trở về cung tiến. Trong khuôn viên chùa bức tượng Phật Quan Âm khuôn mặt nhân hậu hướng về phía trước, xung quanh là những khóm hoa rập rờn trong vòm lá xanh non.
Về phía tây nam của vườn chùa là mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, khói nhang nghi ngút quyện với hoa, lá, cỏ cây. Ai đến thăm chùa cũng đều ghé thăm mộ cụ, tưởng nhớ đến công lao của cụ Huỳnh trong sự nghiệp cách mạng - tưởng nhớ đến một vị tiền bối đã công hiến đời mình cho dân tộc Việt Nam.
Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng là nơi người dân Quảng Ngãi thờ phụng người con anh hùng của quê hương
Đi về phía bắc là hồ sen bát ngát hoa. Những búp sen tinh khiết rung rinh trong vòm lá. Nước hồ trong xanh, những chú cá lượn tung tăng. Hòn non bộ giữa hồ sừng sững như tưởng nhớ về những chặng đường lịch sử, nhớ về một thời oanh liệt của những người con của núi Ấn - sông Trà.
Đi thẳng về phía đông là khu lăng mộ của các vị sư tổ với những tòa bảo tháp và tượng hoa sen
Khu mộ các vị thiền sư trụ trì chùa qua nhiều thời kỳ
Đặc biệt trong khuôn viên chùa còn có giếng nước gọi là “Giếng Phật” được đào từ lúc khai sơn, lập chùa. Giếng sâu thăm thẳm nhưng nước trong vắt, mát rượi. Truyện kể lại rằng “Ngày xa xưa, một vị sư đào giếng để lấynước. Đào mãi nhưng không có mạch nước ngầm. Vị sư quyết đào giếng thật sâu để mong có nước phục vụ nhà chùa. Đến một ngày kia, mạch nước xuất hiện nhưng vị sư đã mất tích. Vị sư ấy đã ra đi khi hoàn thành ý nguyện. Bởi vậy trong dân gian vẫn con lưu truyền câu thơ: “Có thày đào nước trên non, đến khi có nước không còn tăm hơi”. Và cũng từ đó, giếng có tên là giếng Phật”. Dù giếng đào trên núi, nhưng theo người dân ở đây, nguồn nước trong giếng chưa bao giờ cạn. Người dân trong vùng còn cho rằng nước ở giếng Phật có thể chữa được nhiều loại bệnh tật.
Giếng Phật linh thiêng
Trong tâm thức người Quảng Ngãi, chùa Thiên Ấn cùng với núi Ấn - sông Trà là những biểu tượng thiêng liêng. Vào những dịp lễ lớn, khách thập phương đến lễ, vãn cảnh chùa Thiên Ấn lên đến cả vạn người. Nhiều khách du lịch cũng không bỏ dịp được chiêm ngưỡng thắng cảnh hàng đầu của tỉnh Quảng Ngãi.
Phạm Hằng tổng hợp