Nằm trên huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm (còn gọi là nhà thờ đá Phát Diệm) là quần thể nhà thờ Công giáo được đánh giá đẹp nhất Việt Nam. Công trình này đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988.
Quần thể kiến trúc đồ sộ này do linh mục chính xứ Phát Diệm thời bấy giờ Phêrô Trần Lục chủ trì xây dựng từ năm 1875 và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành.
Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có một nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá); phương đình (tháp chuông); ao hồ và 3 hang đá nhân tạo.
Phương đình là điểm nhấn quy mô nhất ở quần thể tôn giáo này. Phương Đình có hình dáng như đình làng, rộng 21 m, cao 25 m, gồm 3 tầng. Tầng dưới lớn nhất, xây hoàn toàn bằng đá xanh vuông vắn, chia thành ba lòng, trong mỗi lòng có một sập đá.
Nhà thờ Phát Diệm được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu đá và gỗ lim. Điểm độc đáo của nhà thờ này nằm ở chỗ, dù là công trình Công giáo, nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam với vô số mái cong hình mũi thuyền.
Có những cây gỗ nặng tới 7 tấn, những phiến đá nặng đến 20 tấn đã được vận chuyển bằng phương tiện thô sơ hồi cuối thế kỷ XIX.
Trong hệ thống 5 nhà thờ nhỏ ở Phát Diệm có một công trình được làm hoàn toàn bằng đá có tên là Trái Tim Đức Mẹ. Nhà thờ dài 15,3 m, rộng 8,5m, cao 6 m. Hầu hết nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp hay bàn thờ đều bằng đá, do đó người Phát Diệm quen gọi là nhà thờ Đá.
Trải qua hơn 120 năm tồn tại, dù chịu nhiều tác động từ thiên tai, chiến tranh, nhưng công trình vẫn vững chãi và được giữ gìn nguyên trạng cho đến ngày nay.
Ảnh: vnexpress.net