Với tên chính thức là Nhà thờ Chánh tòa Kito Vua, nhưng thường được người dân trong vùng nhắc đến với các tên gọi giản dị, quen thuộc như: Nhà thờ đá, nhà thờ Núi
Nhà thờ được khởi công xây dựng vào ngày 3/9/1928, khoảng 500 quả mìn đã được sử dụng để tạo mặt bằng trên đỉnh núi Bông. Tháng 12/1941, công trình được hoàn tất. Công trình được cất trên ngọn núi cao 12m so với mặt bằng thành phố, do đó nhà thờ còn có tên gọi là Nhà thờ Núi
Lối lên nhà thờ, bên phải là những tấm bia mộ dọc theo lối lên
Đứng từ xa nhìn, nhiều người vẫn lầm tưởng công trình kiến trúc đồ sộ này được xây dựng bằng đá chẻ, nhưng thực tế đá chẻ chỉ được dùng lát đường và sân. Còn toàn bộ các bức tường của nhà thờ được xây bằng táp lô xi măng. Chính linh mục Louis Vallet cùng các cộng sự đã trực tiếp đúc nên các khối táp lô này
Đặc biệt, chỉ phần mái bằng của hành lang chạy dọc hai bên được đổ bê tông cốt thép, còn toàn bộ mái vòm của nhà nguyện đều được dùng cốt tre cật, lưới thép mắt cáo
Công trình mang đậm kiểu kiến trúc nhà thờ Gothic với 3 phần rõ rệt, phần dưới cùng là cửa, phần giữa là ô cửa sổ tròn to bằng kính màu được tô điểm những bông hoa hồng, phần trên cùng là hành lang cùng hai tháp chuông
Nổi bật nhất của nhà thờ Núi chính là khu Thánh đường. Bước qua cửa Tiền Đàn, ta sẽ bắt gặp một không gian mênh mông, khoáng đạt, tràn ngập ánh sáng
Đặc điểm nổi bật nhất của kiến trúc Gothic tại nơi đây chính là các vòm cuốn hình múi uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Hoa văn trang trí sử dụng những đoạn thẳng, được bố trí hài hòa, tạo nên vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần trang nghiêm
Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả ánh nắng mặt trời của hai hướng Đông và Tây, các nhà thiết kế đã cho lắp nhiều loại kính màu xanh, đỏ. Tất cả đã tạo nên một cảnh sắc tuyệt đẹp, nhẹ nhàng, làm dịu đi bầu không khí trang nghiêm vốn có thường thấy ở những nơi thờ phụng
Hiện nay, nhà thờ là nơi phục vụ nhu cầu sinh họat tín ngưỡng, tôn giáo của giáo dân địa phương và địa điểm tham quan du lịch lý tưởng cho du khách
Theo dulich.laodong.vn