Thanh Bình Từ Đường là ngôi nhà thờ Tổ ngành Hát bội
Trước khi được chỉnh trang, sân trước ngôi Nhà thờ Tổ ngành Hát bội chỗ cao chỗ thấp, cỏ mọc um tùm. Bên cạnh đó, một số người dân sinh sống xung quanh còn tận dụng mặt sân để trồng cây cảnh, tập kết ván gỗ, nuôi gà, phơi quần áo, đậu đỗ xe hơi, dựng bếp nấu ăn... khiến nơi đây rất nhếch nhác. Trước thực tế trên, tháng 6 vừa qua, tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Huế, người dân P. Phú Hiệp có ý kiến mong muốn Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế sớm tiến hành chỉnh trang phần mặt sân trước Thanh Bình Từ Đường, vì đây là khuôn viên của một Di tích Văn hóa cấp Quốc gia... Sau khi nhận được phản ánh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với UBND P. Phú Hiệp tiến hành vận động người dân chấm dứt việc lấn chiếm mặt sân di tích. Tiếp đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hợp đồng với xe múc và thợ xây dựng tiến hành chỉnh trang lại mặt sân.
Ông Trần Ngọc Lợi (92 tuổi), người hơn 60 năm giữ hương khói Thanh Bình Từ Đường cho biết: Thanh Bình Từ Đường vốn là Thanh Bình thự được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 5 (1825), là nơi luyện tập cho những nghệ nhân thuộc đội hát bội Việt Tường trong cung cấm. Chính giữa Thanh Bình Từ Đường là bàn thờ các vị Tổ ngành xướng ca của cả nước. Tại đây có bài vị Càn Cương Hầu, được tôn xưng là ông Tổ ngành Hát bội và hậu tổ hát bội là cụ Đào Tấn. Bên ngoài còn có 2 án thờ ở hai bên tả hữu (trái phải). Trong đó, án bên tả thờ các nghệ nhân quá cố như Đào Duy Từ, người có công lớn trong việc phát triển nghệ thuật hát bội nước nhà.
Thanh Bình Từ Đường được công nhận Di tích Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 776QÐ/VH ngày 23-6-1992 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) như sự tri ân đối với nghệ thuật sân khấu. "Nếu du khách đi từ ngoài kiệt 281 Chi Lăng vào là gặp cổng của khuôn viên ngôi nhà thờ Tổ ngành Hát bội. Sau cổng là các sân dài và rộng trước đây là sân khấu Thanh Bình. Sân khấu này lúc đầu chỉ để diễn tập, dần về sau theo yêu cầu của quần chúng, sân khấu là nơi biểu diễn hát bội phục vụ rộng rãi người xem của kinh thành Huế. Tiếp đó là ngôi nhà thờ Tổ ngành Hát bội với kiểu nhà rường 3 gian 2 chái, được xây dựng cách đây gần 200 năm"- ông Lợi cho biết thêm.
Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh biểu diễn tại sân khấu Thanh Bình Từ Đường
Bà Hoàng Thiên Thu - Tổ trưởng Tổ Dân phố 8 (P. Phú Hiệp) cho biết thêm, năm 2018, ngôi nhà thờ Tổ ngành Hát bội cũng đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sửa chữa mái ngói, cột, kèo... Năm nay, được sự quan tâm của các cấp, Thanh Bình Từ Đường đã được chỉnh trang lại phần sân trước mặt ngôi từ đường. Người dân trong kiệt 281 Chi Lăng rất phấn khởi. Nhiều người dân còn mong muốn Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nên trồng thêm hoa ở mặt sân để cảnh quan của ngôi nhà thờ ngày càng được xanh sạch đẹp hơn.
3 năm trở lại đây, ngoài việc cúng tổ ngành hát bội được diễn ra hằng năm, Thanh Bình Từ Đường còn đón 2 đoàn nghệ thuật sân khấu nổi tiếng về biểu diễn phục vụ. Đó là đoàn cải lương Sông Hương (trực thuộc Sở VH-TT tỉnh TT-Huế) và đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh (trực thuộc Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Nai). So với khoảng thời gian dài "vắng bóng" trước đó, đây là tín hiệu đáng mừng cho "cái nôi" dạy nghệ thuật sân khấu quy mô đầu tiên cả nước.
Thiết nghĩ, sau khi di tích Thanh Bình Từ Đường được trùng tu và cải tạo khang trang, nếu có tour du lịch chọn nơi đây làm địa điểm để du khách tham quan thì sẽ rất thiết thực, bổ ích. Nhất là vào các dịp Festival Huế, khi lượng khách đến Huế rất đông và khá nhiều vị khách mong muốn có một địa điểm du lịch mới mẻ.