Chùa Xiêm Cán có kiến trúc giống như những ngôi chùa Khmer khác ở Trà Vinh và Sóc Trăng được xây dựng vào năm 1887, là một quần thể kiến trúc đậm sắc thái Khmer, gồm có chánh điện, sala, tăng phòng, am, tháp cốt... được bố trí khá hài hòa. Chánh điện tọa lạc tại trung tâm khuôn viên chùa, trên nền gạch cao 1,5m với 3 bậc cấp cùng một hành lang bao quanh.
Trên mỗi đỉnh góc mái đắp khúc đuôi rắn dài, uốn cong, mềm mại. Hai khoảng trống ở hai đầu hồi bịt bằng hai tấm gỗ hình tam giác, chạm khắc công phu, người Khmer gọi là "hô cheang". Trên các bờ dãy giáp mi của các nếp mái đắp các tượng rồng Khmer, đầu rồng dạng kép nằm ngay các góc đao của mái, thân rồng nằm xoãi dài theo bờ dãy với hàng vi lưng tỉa rõ, uốn cong ngược lên như những ngọn lửa. Sự kết hợp giữa đầu, thân và đuôi rồng tạo nên hình ảnh những chiếc ghe ngo.
Trong chánh điện có 2 hàng cột to cao nâng mái. Mái chùa cấu trúc 3 lớp so le chồng lên, hình tháp, tạo khoảng không gian cao vút, mát mẻ. Bàn thờ chính trang trí nhiều hoa văn, họa tiết điêu khắc phong phú, phức tạp. Trên bệ có nhiều tượng Phật, một tượng Phật Thích Ca to lớn hơn hết ở giữa. Các tượng còn lại diễn tả các thời kỳ hóa thân của Phật. Vách, trần, cột chùa đều được trang trí phù điêu, bích họa cầu kỳ, công phu, nhiều màu sắc. Đặc biệt, các bích họa kể lại cuộc đời Đức Phật và trường ca Ramayana.
Chùa Xiêm Cán có sala (giảng đường, nhà hội) trên đó có khắc tượng hình Xanac dắt con bạch mã Kiền đặc đưa Thái tử Sidatta qua sông đến đất A nô ma tìm đường giác ngộ. Trong sala có bàn thờ Phật và bàn ghế, sàn ván để tín đồ bàn bạc trước khi lên chánh điện. Vách trần sala được trang trí các họa tiết, bích họa khá công phu. Hai bên chánh điện là nhiều tháp cốt và một nhà hỏa thiêu. Trong khuôn viên chùa có trường dạy chữ Khmer, chữ Pali, dạy kinh... là nơi lưu giữ các tập truyện kể dân gian và các vốn văn hóa truyền thống cho con em Phật tử.
Đối diện chánh điện là cột trụ biểu với hình tượng rắn thần Nagar 5 đầu. Đây là nơi người ta thắp đèn cầy trong những ngày lễ với ngụ ý rằng giáo lý Phật giáo sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống tốt đẹp như chính loài rắn đã quy thiện. Phía sau cột trụ biểu là tăng xá, tăng xá trụ trì được xây dựng bằng gạch kiên cố với nhiều hoa văn, họa tiết sặc sỡ. Bên cạnh đó là tăng xá cổ và tăng xá trụ trì cổ, kiến trúc toàn bằng gỗ quý (sao, căm xe), dù qua nhiều năm tháng nhưng sắc gỗ vẫn đen ngời, với mái ngói. Tăng xá cổ có 4 hàng cột gỗ quý, được làm thành nhà truyền thống.
Hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, chùa Xiêm Cán không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa nghệ thuật của người dân Khmer, mà còn là nơi chứng kiến nhiều biến cố của lịch sử. Chùa còn lưu giữ bộ sách Khmer cổ được viết trên lá cây dày đến 70 trang.
Người dân Khmer mỗi tháng đều đặn bốn lần đến chùa để lễ Phật, tụng kinh. Ngoài nhiệm vụ chính là thực hiện các hoạt động tôn giáo, chùa còn là trung tâm văn hóa giáo dục của phum, sóc (làng, xã). Trong khuôn viên chùa có trường học dạy chữ Khmer, chữ Pali, dạy kinh... Đây cũng là nơi lưu giữ các tập truyện kể dân gian xưa và nay hoặc các vốn văn hóa truyền thống.
Mặc dù chưa phải là ngôi chùa cổ nhất, nhưng có thể nói, chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa Khmer được liệt vào hàng lớn nhất, đẹp nhất và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam bộ. Vì lẽ đó, ngôi chùa luôn tạo được một ấn tượng khó quên trong lòng du khách mỗi khi đến tham quan.
Theo toquoc.vn