Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng buồng phòng, cơ sở lưu trú thời gian qua khiến hoạt động kinh doanh lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.
Ảnh
Nguyên nhân làm gia tăng cơ sở lưu trú, buồng phòng khách sạn ở thành phố Đà Nẵng do sức hút của điểm đến. Thành phố đã và đang trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn với nhiều địa điểm nổi tiếng như khu du lịch Bà Nà Hill, bán đảo Sơn Trà, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, bãi biển Mỹ Khê… Đà Nẵng được đánh giá là điểm đến an toàn đối với du khách, nơi phát triển rầm rộ loại hình “bất động sản du lịch”.
Nhiều năm qua, du lịch Đà Nẵng đạt mức tăng trưởng từ 25 đến 30% mỗi năm. Đây là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, theo một số chủ khách sạn, mặc dù các chuyến bay đến Đà Nẵng ngày càng nhiều, số lượng khách tăng nhưng lượng khách lưu trú lại giảm. Sự sụt giảm về số lượng khách lưu trú tác động đến các lĩnh vực khác như nhà hàng, dịch vụ ăn uống, mua sắm…
Ảnh
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Furama Đà Nẵng cho biết, năm nay công suất sử dụng buồng phòng khách sạn Furama thấp hơn năm ngoái khoảng 15%.
"Các chuyến bay đến Đà Nẵng toàn là những chuyến bay ngắn ngày, ít có những chuyến bay từ những thị trường mà khách lưu trú dài ngày. Ví dụ như những chuyến bay đến từ những vùng đất mà họ muốn tìm hiểu sự độc đáo của mảnh đất miền Trung, của kỳ nghỉ biển như khách châu Âu, những người luôn luôn quan tâm đến lịch sử, văn hóa của mảnh đất họ đến. Điều này khác biệt hoàn toàn với khách châu Á, họ đến để đi tham quan phong cảnh", ông Quỳnh nói.
Theo các chuyên gia du lịch, một khi nguồn cung vượt cầu sẽ dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường. Thực tế tại thành phố Đà Nẵng, không ít khách sạn hạng 3 sao trở lên chấp nhận giảm giá phòng để đón khách. Điều này khiến các khách sạn từ 3 sao trở xuống vắng khách.
Đại diện của 1 khách sạn 3 sao trên đường Võ Nguyên Giáp cho biết, vài tháng trở lại đây, công suất sử dụng buồng phòng rất thấp. Khách sạn có 85 phòng nhưng có những ngày không có khách đến lưu trú.
Ảnh
Tình trạng “bội thực” buồng phòng khách sạn, cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng được dự báo từ nhiều năm trước, nhất là đối với phân khúc khách sạn 3 sao trở xuống, khi các nhà đầu tư ồ ạt xây dựng làm cho nguồn cung thị trường tăng nhanh, áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.
Hiện nay, các khách sạn không chỉ cạnh tranh về giá mà còn ở chất lượng dịch vụ, số lượng dịch vụ cũng như những tiện ích mang lại cho du khách.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết, trong 9 tháng qua, thành phố Đà Nẵng đón được khoảng 4,5 triệu lượt khách. Trong đó có hơn 2,7 triệu lượt khách quốc tế và 1,8 triệu lượt khách nội địa. Nếu tính công suất sử dụng buồng phòng khách sạn thì lượng khách đó mới đáp ứng được khoảng 50%.
Hiện, khối khách sạn từ 4 đến 5 sao, công suất sử dụng đạt 60%, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó. Tình trạng “khủng hoảng thừa” khách sạn tập trung ở một số trục đường ven biển thuộc 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn như đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Hà Bổng, Hồ Nghinh, Nguyễn Văn Thoại…, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Theo ông Cao Trí Dũng, trong định hướng quy hoạch, thành phố nên giãn mật độ xây dựng khách sạn ở 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn: "Hiện nay ở vùng lõi của 2 quận đó, dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp lượng khách sạn quá lớn. Có thể giãn ra ở điểm đầu và điểm cuối, thêm một số vị trí khác nữa. Và nên tính thêm việc phát triển về hướng Đông bắc, tức là phía Xuân Thiều - Làng Vân, Hải Vân; Phát triển thêm về phía Tây bắc, tức là về phía Bà Nà, Hòa Vang; Về phía Tây nam tức là phía Cẩm Lệ để làm sao phát triển cân đối, hài hòa trong sự phát triển chung"./.
Hoài Nam/ VOV Miền Trung