Cuộc gặp gỡ hết sức gần gũi, thân mật
Mặc dù đến trước lịch hẹn hơn 10 phút nhưng chúng tôi có chút bất ngờ khi Quốc vụ khanh, nguyên Tổng giám đốc Tuol Sarath và các cán bộ Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia đã chờ sẵn ngay tại sảnh trụ sở. Thoáng chút bối rối, xa cách ngay lập tức tan biến khi anh em vồn vã chào đón, tay bắt mặt mừng hỏi thăm sức khỏe nhau như những người bạn thân thiết lâu ngày mới gặp lại.
Cảm xúc của chúng tôi bị “tan chảy” ngay ở những giây phút đầu tiên khi quan sát thấy xung quanh là vô số những hình ảnh, đồ vật liên quan đến VOV được các bạn gìn giữ, ghi chú thích và trưng bày ở những vị trí trang trọng. Thấy chúng tôi chăm chú ngắm nhìn, anh Tuol Sarath giải thích đôi chút về lịch sử các bức ảnh đã phai màu, rồi giục đi lên phòng làm việc để nghe anh em kể về nhiều câu chuyện thú vị khác.
Quây quần trò chuyện với các cán bộ lão thành của Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia trong căn phòng làm việc ấm cúng ngay cạnh khu di tích lịch sử nổi tiếng Đồi Bà Pênh, chúng tôi có cảm giác như đang được ngồi “thưởng” trà với anh em, bạn bè đồng nghiệp ở Quán Sứ, Bà Triệu. Không khí buổi làm việc bỗng chốc trở thành cuộc chuyện trò, tâm sự của những người “cùng một nhà”.
Anh Tan Yan, Quốc vụ khanh Bộ Thông tin Campuchia (tương đương cấp Thứ trưởng), bồi hồi chia sẻ: "Hôm nay, được gặp lại những người bạn của Đài TNVN khiến chúng tôi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa, nhớ về nguồn gốc của Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia. Nghĩ lại những ngày tháng đã qua, tôi giật mình thấy rằng trước đây chúng tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng sẽ có được cuộc sống như ngày nay. Ngày 07/1/1979 là ngày đất nước Campuchia được sinh ra lần thứ hai, chúng tôi thực sự may mắn đến hôm nay được ngồi đây được gặp lại những người bạn cũ, trò chuyện ôn lại kỷ niệm về những người anh, người bạn Việt Nam mà chúng tôi đã cùng đồng cam cộng khổ với nhau."
Anh Tan Yan, Quốc vụ khanh Bộ Thông tin Campuchia.
Là người gắn bó với Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia từ ngày đầu thành lập, Quốc vụ khanh Tan Yan cho biết sau khi giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ Pol Pot, Chính phủ Việt Nam đã cử chuyên gia sang giúp Campuchia xây dựng lại đất nước trên mọi lĩnh vực, trong đó phát thanh là lĩnh vực được ưu tiên. Chia sẻ với sự khó khăn của một đất nước vừa thoát khỏi họa diệt chủng, Tổng giám đốc đầu tiên của Đài TNVN ngày ấy là anh Trần Lâm đã cử những chuyên gia tốt nhất sang giúp đỡ đài Campuchia. Các cán bộ Đài Phát thanh Campuchia còn nhớ như in hình ảnh nhiệt huyết, ân cần của những chuyên gia Việt Nam như anh Khoa, anh Thắng, anh Như, anh Vũ Hải… là những kỹ thuật viên, biên tập viên đầu tiên tới dạy nghề cho họ bắt đầu từ bài học “vỡ lòng” trong những ngày gian khó ấy.
Kể đến đây, anh Tan Yan bỗng ngừng lại hướng ánh mắt về phía ngọn cây bên khung cửa sổ rồi lau vội khóe mắt, anh trầm giọng cho biết, trước ngày đất nước được giải phóng tất cả các kỹ thuật viên của Campuchia đều bị bọn Pol Pot giết hại hết, Đài Phát thanh Quốc gia CPC phải xây dựng, đào tạo lại đội ngũ từ con số 0.
Anh Tan chia sẻ: “Người Campuchia có câu: người có công ơn nhất với chúng ta là người dạy chúng ta cách câu cá. Nhưng các bạn Việt Nam vừa cho chúng tôi cá, lại còn dạy chúng tôi câu cá. Nói vậy có nghĩa là khi đó Việt Nam vừa cho chúng tôi cái ăn, vừa dạy nghề và truyền kinh nghiệm cho chúng tôi."
Anh Tan Yan say sưa nhớ lại, ở khối biên tập tất cả mọi người khi ấy đều chưa được đào tạo về làm báo, chưa biết nghiệp vụ phóng viên, nhưng chúng tôi đều rất hăng hái theo học các chuyên gia Việt Nam, sau đó rồi truyền lại cho nhau. Có những bài học dù phải dạy đi, dạy lại nhiều lần nhưng những người bạn Việt Nam vẫn kiên trì chỉ bảo, cùng chúng tôi quyết tâm học đêm, học ngày để giúp chúng tôi tiếp quản công việc chuyên môn. Ví dụ như tôi trước đây được các chuyên gia Việt Nam đào tạo từ ngày đầu tập cầm bút rồi dần trở thành biên tập viên, mới đầu thì viết tin, sau đó là viết phóng sự, bài bình luận.
Người để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với Quốc vụ khanh Tan Yan là ông Mai Thúc Long, Trưởng đoàn chuyên gia của Ủy ban phát thanh-truyền hình ở Campuchia, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN.
Anh Tan Yan cho biết: "Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ anh khi được gặp anh từ cuối năm 1979 rồi được anh hướng dẫn, truyền thụ nghề trong suốt những năm tháng gắn bó với đất nước Campuchia. Anh Mai Thúc Long chính là người đặt nền móng xây dựng, hoàn thiện đài phát thanh và đài truyền hình Campuchia."
"Các chuyên gia Việt Nam cũng là người giúp chúng tôi phát triển các kênh phát thanh đối ngoại, khi đó các anh nói rằng các nước khác trên thế giới không có nước nào sử dụng tiếng Khmer, nếu có người biết thì cũng chiếm số ít. Chính vì vậy chúng tôi cần phải thành lập kênh phát thanh tiếng nước ngoài. Đầu tiên, các chuyên gia Việt Nam giúp chúng tôi xây dựng kênh phát thanh tiếng Pháp, sau đó là kênh tiếng Anh. Tất cả những người chưa có chuyên môn đều được các bạn Việt Nam, giúp đỡ, dạy bảo để đạt chất lượng tốt nhất, đến mức có người của đài chúng tôi được học phát thanh tiếng Pháp từ thời đó và đến nay vẫn thường được gọi là người Pháp sống tại Campuchia."
Anh Tan Yan cho biết, thành công của Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia ngay từ những ngày đầu lên sóng có sự đóng góp quan trọng của mảng phát thanh văn hóa, nghệ thuật mà các chuyên gia Việt Nam chính là những người hướng dẫn, đạo diễn, dàn dựng. Nhắc đến đây, cả căn phòng trở nên xôn xao khi các anh cùng nhẩm lại lời những bài hát cách mạng và cả dân ca Việt Nam thường hát cùng những người bạn chuyên gia từ cách đây gần 40 năm.
Anh Tan Yan nhớ lại: Tôi còn nhớ anh Vũ Thanh, một nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam, là một trong những chuyên gia của Đài TNVN sang giúp chúng tôi đào tạo đội ngũ biên tập viên âm nhạc, thu thanh và xây dựng các chương trình âm nhạc được rất nhiều người yêu thích. Đây là điều tuyệt vời vì các chương trình âm nhạc đã thu hút được một lượng lớn thính giả theo dõi nghe đài, góp phần hết sức quan trọng trọng trong việc vận động tuyên truyền cho nhân dân."
Đánh giá về sự giúp đỡ của Đài TNVN, Quốc vụ khanh Tan Yan quả quyết: “Có thể khẳng định, sự giúp đỡ của các chuyên gia Đài TNVN là vô giá. Họ đến giúp Campuchia vào giai đoạn khó khăn nhất, khi chúng tôi không có gì trong tay. Những người bạn Việt Nam đã cung cấp trang thiết bị cho chúng tôi và còn đào tạo chúng tôi về kỹ thuật, dạy cách viết tin, bài. Chúng tôi luôn trân trọng, ghi nhớ và mong muốn phát triển quan hệ với những người bạn tri kỷ Việt Nam ngày càng khăng khít hơn nữa”.
Anh Bou Van Narith, một phát thanh viên nổi tiếng của Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia kể: "Tôi còn nhớ như in kỷ niệm lần đầu tiên tham gia chương trình phát thanh trực tiếp vào đúng dịp kỷ niệm giải phóng Phnom Penh ngày 07/1/1980. Khi đó hai chuyên gia là anh Chi và anh Quang đã ngồi cạnh động viên chúng tôi, thấy tôi còn hơi lo lắng khi ngồi trước máy thu âm, anh Chi lấy tay xoa nhẹ lưng cho tôi và nói “đừng run, đừng run”. Nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia Việt Nam, buổi phát thanh trực tiếp hôm đó đã thành công mỹ mãn, khi chương trình kết thúc chúng tôi ôm chầm lấy nhau vì vui mừng."
Anh Bou Van Narith ( phải) hào hứng kể về những kỷ niệm với phóng viên Văn Đỗ
"Ở khối biên tập tôi cũng có nhiều kỷ niệm, đặc biệt là với anh Châu, mỗi lần có từ nào không hiểu, tôi gặp anh hỏi thì luôn được giải thích tận tình, sau đó anh còn hỏi lại: Thế đã hiểu chưa? Anh Châu thường động viên tôi học thêm tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Tôi hỏi lại sao lại học hai thứ tiếng này thì anh nói vì các tài liệu trên thế giới chủ yếu viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp nên biết tiếng chúng ta mới có thể học thêm được nhiều kiến thức."
Anh Sar Muoy Ly, biên tập viên tiếng Pháp nhấn mạnh: "Các chuyên gia của Đài TNVN giúp đỡ chúng tôi như giúp đỡ người trong gia đình. Tất cả các chuyên gia VN đều rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi. Họ không chỉ giúp trong công việc mà còn cả trong cuộc sống. Hồi ấy Campuchia mới thoát khỏi chế độ diệt chủng, các gia đình chưa có điều kiện đoàn tụ, cuộc sống vô vàn khó khăn. Nhưng chúng tôi luôn nhận được tình cảm ấm áp như trong gia đình từ các chuyên gia Việt Nam như anh Vũ Hải, anh Chi, anh Quang, anh Yên, chị Nhu... Chính các anh, chị đã luôn bên cạnh động viên chúng tôi, chỉ dạy cho mọi người về chuyên môn và cách sống. Các anh cũng thường động viên chúng tôi là hãy học tập người Nhật Bản, vì họ cũng xây dựng lại đất nước từ con số không sau chiến tranh và đến nay đã là một trong những nước phát triển. Thời gian đã trôi qua 40 năm nhưng tôi không bao giờ quên những kỷ niệm với các chuyên gia Việt Nam, những người đã cho tôi nền tảng vững vàng để xây dựng cuộc sống ngày hôm nay."
Anh Sar Muoy Ly, biên tập viên tiếng Pháp
Anh Tay Maly, kỹ thuật viên, Đài phát thanh Quốc gia Campuchia cũng sôi nổi chia sẻ rằng anh không chỉ được các chuyên gia Việt Nam dạy nghề mà còn học được cả tiếng Việt qua nhiều năm tháng gắn bó với những người bạn Việt Nam.
Anh Tay Maly, kỹ thuật viên, Đài phát thanh Quốc gia Campuchia
Nhân dịp kỷ niệm 75 ngày thành lập Đài TNVN, anh Tay MaLy đã nói lời chúc mừng bằng tiếng Việt khá rành rọt: “Tôi xin gửi lời chúc mừng Đài TNVN và cảm ơn những cựu chuyên gia đã giúp đỡ chúng tôi. Chúc các anh sức khỏe dồi dào, hạnh phúc và thành công. Chúc cho đất nước Việt Nam ngày càng phát triển thịnh vượng”.
Như sực nhớ ra điều gì, Quốc vụ khanh Tan Yan đứng dậy kéo chúng tôi vào phòng làm việc của anh. Đi qua gian tiếp khách rất rộng, anh đưa chúng tôi vào tận gian làm việc riêng của mình. Chỉ tay vào tấm ảnh lớn được đóng khung cẩn thận treo trên tường, anh Tan Yan cho biết đây là bức ảnh kỷ niệm chụp với ông Mai Thúc Long khi anh có dịp sang công tác tại Đài TNVN, sau đó một thời gian thì ông Mai Thúc Long mất. Anh Tan Yan cho biết anh treo tấm ảnh ở đây để mỗi khi ngồi làm việc luôn được nhìn thấy ông Mai Thúc Long, để cảm nhận như vẫn được ông đi theo chỉ bảo, dạy dỗ mọi điều lớn nhỏ trong công việc và cuộc sống.
Phóng viên Văn Đỗ và đại diện Đài phát thanh quốc gia CPC
Chia tay các cán bộ Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia khi trời chiều đã xế bóng, chúng tôi vẫn luyến tiếc vì không có nhiều thời gian để nghe thêm những câu chuyện thú vị của các anh, dù vậy chúng tôi cảm nhận rõ tình cảm trân quý không thể phai mờ của các anh đối với những thế hệ chuyên gia Việt Nam nói riêng và Đài TNVN nói chung. Trên con đường về dọc bờ sông Mê Kông hùng vĩ, bên tai chúng tôi vẫn văng vẳng lời hát “Người ơi, người ở đừng về” mà các cán bộ Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia vừa cùng nhau hát tặng chúng tôi./.
Văn Đỗ, Tâm Hiếu/VOV Phnom Penh
Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...