Nằm cách thành phố Lạng Sơn khoảng 30km về phía đông, đỉnh Phia Po (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình) thuộc dãy Mẫu Sơn hùng vĩ gồm 80 ngọn núi lớn nhỏ, có độ cao 800 - 1.500m, trong đó Phia Po là đỉnh cao nhất với 1.541m so với mực nước biển. Đây là một trong những điểm trekking lý tưởng của những “tín đồ” đam mê chinh phục độ cao để vượt qua chính mình và tìm về với thiên nhiên với nhiều trải nghiệm khác biệt, đáng nhớ.
Từ trung tâm thành phố Lạng Sơn tới chân núi Phia Po mất khoảng 1 giờ di chuyển. Chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục Phia Po từ 8h sáng, sau khi tập kết, chuẩn bị đồ đạc và khởi động kỹ càng cho chuyến leo núi được mong đợi với nhiều điều thú vị. Đinh Văn Hồng - trưởng nhóm porter (người khuân vác đồ đạc và dẫn đường) cung cấp những thông tin cần biết về thời tiết, địa hình và quãng đường có tổng chiều dài đi - về là 14km.
Từ ngầm Nà Mò, chúng tôi di chuyển theo con đường mòn dẫn lên núi. Hai bên là hàng thông xanh rì, thơ mộng như những con đường ở phố núi Đà Lạt. Đi qua vài ngôi nhà trình tường nằm cheo leo bên sườn núi, chúng tôi tới bìa rừng. Con đường nhỏ được hình thành trong quá trình người dân vào rừng kiếm củi, khai thác nhựa thông và các loài thảo dược giờ đây đã in dấu chân của nhiều du khách.
Du khách check-in trên “sống lưng khủng long”
Qua khỏi bìa rừng, du khách sẽ tới một đồng cỏ tranh rộng lớn, thoai thoải dễ đi. Sau một mùa hè “mặc” chiếc áo xanh non căng tràn nhựa sống, Phia Po vào mùa thu khoác lên mình màu cỏ vàng sậm đầy mộng mị. Vào những ngày đông lạnh giá nhất, trên đỉnh núi có thể xuất hiện hiện tượng băng giá. Nếu có ưu ái ví Phia Po là “Phú Sĩ của Lạng Sơn” cũng không sai, bởi Phia Po cũng có hình dáng tương tự như ngọn núi quanh năm tuyết phủ ở xứ sở Hoa anh đào. Bao quanh cả vùng “đồi cỏ cháy” thoai thoải bám lấy sườn núi ấy là trùng điệp lớp núi đan xen, tạo nên một khung cảnh hùng vĩ đến choáng ngợp.
Càng lên cao, độ dốc càng lớn, đường càng trơn trượt khó đi bởi nơi đây quanh năm mây mù bao phủ. Có những lúc mây ào tới bất ngờ khiến cả đoàn chìm trong màn sương mờ ảo, đứng cách 1m mà không thấy nhau. Khung cảnh như chốn thần tiên khiến chúng tôi phấn khích và choáng ngợp, nhất là khi đứng trên “sống lưng khủng long” - cái tên do các "phượt thủ” và porter bản địa đặt bởi đoạn núi này có hình dáng uốn cong mềm mại, nhô cao so với các sườn núi bên cạnh và con đường đi ở giữa vô cùng nhỏ hẹp, hai bên là vách đá và vực sâu hun hút.
Với những người leo núi chuyên nghiệp, độ cao 1.541m của Phia Po có lẽ chẳng bõ bèn gì. Nhưng đừng vội coi thường, bạn sẽ phải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi địa hình nơi đây vô cùng đa dạng, phức tạp. Mỗi lần ngước lên sẽ là một đỉnh cao, để rồi khi lên tới nơi, bạn mới biết sẽ còn vài đỉnh nữa đang chờ phía trước.
Chỉ khi liên tục vượt qua những đỉnh dốc gần như dựng đứng, bạn mới thấy Phia Po thử thách ý chí và cả sức khỏe của người leo núi thế nào. Từ chân núi tới “sống lưng khủng long” dài khoảng 3,5km là đoạn đường dễ khiến nhiều người bỏ cuộc. Nếu không cắm trại nghỉ qua đêm lấy sức, những người lựa chọn leo tiếp sẽ phải nỗ lực gấp 3 - 4 lần đoạn đường đã qua. Bởi độ dốc và đường khó đi như vậy nên ngay cả người dân bản địa cũng hiếm khi leo tới đỉnh.
Quá nửa ngày, chúng tôi dừng chân ăn trưa. Quãng đường sau có độ khó gấp nhiều lần bởi phải băng qua những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, rừng trúc ken dày và rừng đỗ quyên cổ thụ đã tồn tại hàng trăm năm. Đỗ quyên là “đặc sản” của Phia Po, bởi nơi đây tập trung hàng trăm gốc đỗ quyên cổ thụ được bao bọc bởi những mảng rêu già, tạo nên hình dạng đầy ma mị trong làn sương mờ ảo.
Lương Văn Việt, một porter của đoàn nói: “Nếu anh chị lên đây vào tháng 3 - 4 sẽ được chứng kiến hoa đỗ quyên phủ kín cả khu rừng. Chúng em dẫn khách lên đây hằng tuần mà còn bị mê mẩn bởi vẻ đẹp ấy nữa là những du khách tới lần đầu...”.
Mặc dù là ban ngày, nhưng thời tiết âm u, sương mù bao phủ và cây rừng rậm rạp nên ánh sáng khá yếu. Bởi thế, qua khỏi rừng, vạn vật như bừng sáng. Đỉnh núi cuối cùng đã ở trước mắt khiến chúng tôi cảm thấy phấn khích, mệt mỏi cũng vơi đi.
Nhưng để tới đích, đây là đoạn đường khó nhất khi phải bám theo dây thừng ai đó đã cột chắc chắn từ trên để chúng tôi theo đó mà đu lên, lách qua tảng đá chỉ vừa một người nhưng cao tới hơn 2m. Tiếp đó là cả đoạn đồi bạt ngàn cỏ lau cao lút đầu người, ken dày dưới chân khiến mỗi bước đi càng trở nên khó khăn hơn. Bù lại cho thử thách cuối cùng này là điểm cao nhất của đỉnh Phia Po, được đánh dấu bằng cột mốc do những người đi trước dựng nên.
Dù đã thấm mệt, nhưng ai nấy đều cố gắng cười thật tươi để lưu lại những bức hình “check-in” đánh dấu sự nỗ lực vượt qua một hành trình đầy khó khăn, vất vả. Đấy cũng chính là thử thách khó khăn nhất và là chiến thắng vinh quang nhất: Chiến thắng bản thân.
Dù chỉ kịp ngắm cảnh, nghỉ ngơi trên cao điểm 1.541m trong khoảng 20 phút rồi lại vội vàng quay xuống trước khi trời tối, chúng tôi cũng cảm thấy may mắn vì đã đặt chân lên tới Phia Po - "đỉnh núi Cha" thiêng liêng của dãy Mẫu Sơn huyền thoại. Đứng trên đỉnh cao ấy, dường như chúng tôi đều cảm nhận được niềm tự hào sâu sắc về sự hùng vĩ của thiên nhiên cũng như vẻ đẹp tráng lệ, giàu bản sắc của Tổ quốc mình...
Theo Hà Nội mới
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |
Tỉnh biên giới Lạng Sơn có nhiều dân tộc anh em như Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa.... cùng chung sống từ lâu đời...
Sáng 20/5, UBND tỉnh Lạng Sơn đã khởi công dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn tại đỉnh...
Lạng Sơn vốn nổi tiếng là xứ sở của hoa đào. Trên đà phát triển, hội nhập, "hoa đào xứ Lạng" từng bước được...
Sáng nay, vào lúc 10h, tại đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn), nhiệt độ đã giảm xuống âm 1 độ, băng giá bao phủ dày đặc....
Từ bao đời nay, người Dao ở xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) luôn có ý thức giữ bản sắc văn hoá...
Bạn đã bao giờ đến “thung lũng vàng” Bắc Sơn nơi xứ Lạng? Đây là vùng đất phong cảnh hữu tình với những thảm...
Sáng 15/12, Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức công bố Biểu trưng (Logo) và Khẩu hiệu...
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành kế hoạch về việc triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du...
Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)...
Những ngày cuối thu này, lượng khách đổ về Khu du lịch Quốc gia Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) để...
Sáng 29/3, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức cuộc họp xem xét thống nhất phương án triển khai dự án quần thể Khu du...
Lạng Sơn với những lợi thế về địa lý, thiên nhiên, là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng...