Vẻ đẹp bình dị ở đảo Bình Hưng nhìn từ trên cao
Nằm ẩn mình dưới chân đèo của cung đường biển Bình Tiên, Vĩnh Hy, nơi đây nổi tiếng với những bãi cát trắng mịn, làn nước trong xanh. Bình Hưng còn có tên gọi khác là hòn Tý hay hòn Chút, chưa được khai thác du lịch nhiều nên còn giữ nhiều nét hoang sơ quyến rũ.
Bãi biển ở đây không dài và rộng như Mũi Né hay Nha Trang, nhưng luôn trong xanh và nhìn thấy đáy. Biển không sâu, thoai thoải, chỉ cần lội ra vài chục mét, nước cao ngang ngực là đã thấy các rạn san hô ngay dưới chân. Đặc biệt, trên các bãi biển là những tảng đá nhiều hình thù, kiểu dàng và màu sắc sinh động. Người dân trên đảo sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm hùm. Nhà nằm san sát nhau hướng ra biển, ấn tượng hơn cả là đường xã chung quanh đảo rất sạch sẽ.
Khách du lịch có thể đến đảo Bình Hưng quanh năm, tuy nhiên, nên tránh những tháng có nhiều mưa bão (tháng 9, 10) để có dịp tận hưởng trọn vẹn chuyến đi của mình. Thời điểm lý tưởng nhất để đến Bình Hưng là vào các tháng hè, lúc này biển êm, bạn sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh biển “quyến rũ” nhất.
Từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, bạn có thể di chuyển bằng máy bay, xe khách, tàu hỏa đến Cam Ranh. Từ TP Cam Ranh đi theo quốc lộ 1A hướng vào Ninh Thuận, sau đó men theo tuyến đường mới Bình Lập - Bình Tiên khoảng 15 km để đế Bãi Kinh - Bình Hưng. Nếu khởi hành từ TP Phan Rang, bạn đi theo quốc lộ 702 hướng đi vịnh Vĩnh Hy khoảng 57 km, tới ngã ba Vĩnh Hy rẽ trái đi theo cung đường mới 13 km nữa là đến Bãi Kinh.
Từ đây, du khách đi thuyền sang đảo mất khoảng 10 phút, chi phí 10.000 đồng/lượt/người. Nếu khách muốn chạy xe máy rong ruổi trên đảo thì giá đưa xe máy qua là 10.000 đồng. Xe điện trên đảo phục vụ duy nhất một tuyến từ bến tới ngọn hải đăng với giá 20.000 đồng/ người/lượt.
Đi từ Bình Ba, du khách có thể thuê thuyền sang đảo Bình Hưng mất khoảng 60 phút và ngược lại. Tuy nhiên, nếu bạn đi theo đoàn nên đi vào ngày thường, còn khách đơn lẻ đi vào dịp cuối tuần hoặc ngày lễ sẽ tiết kiệm được chi phí thuê tàu hơn. Tàu đi về ở đảo Bình Hưng chạy cả ngày, khoảng 18 giờ chiều là nghỉ.
Đảo Bình Hưng rất nhỏ, chỉ mất khoảng nửa ngày bạn có thể tự khám phá hết quanh đây. Nếu muốn lặn ngắm san hô, tắm biển, bạn có thể liên hệ đặt tour ngay tại các hộ dân sống trên đảo. Chi phí thuê tàu từ một đến 1,5 triệu đồng, có thể đi riêng hoặc ghép tour để tiết kiệm hơn.
Bạn có thể thuê thuyền ra thăm những bè nuôi hải sản của ngư dân và thưởng thức đồ ăn ngay tại đó. Đặc biệt, những con thuyền này có đáy bằng kính trong veo, nên bạn có thể vừa di chuyển vừa thưởng thức vẻ đẹp của san hô. Nếu muốn tham quan đảo bằng xe máy, bạn nên thuê ngay tại các nhà trọ hoặc nhà nghỉ trên đảo với giá khoảng từ 120.000 đến 150.000 đồng/ngày. Vì đảo Bình Hưng có diện tích khá nhỏ nên du khách cũng nên chọn cách đi bộ để từ từ khám phá đảo. Tại nhà bè, các chủ nhà bè hiện nay mở thêm dịch vụ lưu trú, khách có thể ngủ lại trên võng hoặc trải nệm với giá khá mềm, 50.000 đồng/đêm/người. Hình thức này thích hợp cho các bạn muốn trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên biển để lắng nghe tiếng sóng vỗ hay âm thanh rộn ràng khi khua thuyền, chèo thúng của ngư dân mỗi sớm bình minh.
Dịch vụ homestay trên đảo cũng dần phổ biến hơn trước đây. Hình thức này cho du khách cảm nhận sự thuận tiện, chu đáo và tận tình của chủ nhà ở Lost Station, có vị trí cực kỳ đẹp, cách biển chỉ vài bước chân. Đây là một homestay phong cách cổ điển, sang trọng, từ thiết kế cho đến các vật dụng trong nhà, sẽ gợi cho bạn cảm giác quay lại với thời tuổi thơ của mình. Căn hộ có sức chứa 12 người với mức giá tốt. Tiện nghi hơn cả, bạn nên chọn nhà nghỉ. Trên đảo có một số nhà nghỉ của ngư dân cho thuê với giá khoảng 70.000 đồng/đêm/người. Ngoài ra, du khách cũng có thể dễ dàng tìm thấy các phòng nghỉ có quạt, máy lạnh, tiện nghi tốt.
Đến đảo Bình Hưng, bạn không nên bỏ qua những điểm đến thú vị như Bãi Bình Tiên, Bãi Kinh, Hải đăng Hòn Chút... Nằm trong thôn Bình Tiên, bãi này được chính quyền địa phương quy hoạch để trở thành khu resort nên dân đã được dời lên phía sườn núi. Tuy nhiên đã nhiều năm dự án không xây dựng thêm hạng mục công trình nào nên vẫn khá hoang sơ. Nếu đi ô-tô hoặc xe máy theo hướng Cam Ranh - Bình Hưng thì nên dừng lại ngay trạm dừng trên trên đường và chụp một kiểu ảnh với bãi biển tuyệt đẹp này. Có một lưu ý nhỏ rằng Ban Quản lý dự án không cho khách vào bằng đường bộ, chỉ có thể tham quan bằng đường thủy nếu muốn.
Bãi Kinh là nơi bạn đặt chân xuống đầu tiên nếu du lịch đến đảo Bình Hưng. Người dân ở đảo dùng bãi này làm nơi cập tàu qua lại giữa đảo và đất liền. Đặc điểm của bãi này là rất thuận tiện di chuyển cho du khách. Nếu từ đất liền, bạn chỉ cần gửi xe trên bãi và đi bộ xuống là có thể tắm biển. Nếu ở trên đảo, bạn bắt tàu bất kỳ qua bãi chỉ mất 10.000 đồng/khách, tàu chạy liên tục ngày đêm. Nước ở đây thuộc loại trong nhất, bãi cạn rất thích hợp để cả gia đình vui chơi. Trên bãi có sẵn một số lều cho thuê của chủ quản lý bãi, giá khoảng 100.000 đồng/lều.
Men theo con đường nhỏ lên núi Hòn Bù, chẳng mấy chốc bạn sẽ có mặt bên ngọn hải đăng Hòn Chút, đó là “cây” đèn biển hiện diện trước vịnh Cam Ranh đã có trên 100 năm tuổi. Đứng trên ngọn hải đăng, bạn có thể quan sát nhịp sống hối hả của các con tàu chở hàng trên cảng Cam Ranh nằm về hướng tây và phóng tầm mắt ra tới vùng biển bao la hướng đông nơi điểm xuyết những chiếc thuyền câu bé nhỏ.
Nếu có thời gian, bạn nên ghé qua Hang Tàu. Sở dĩ được gọi là Hang Tàu vì nơi đây các tàu thuyền thường xuyên vào tránh bão, nơi đây cũng có rất nhiều chim yến về làm tổ nên còn gọi tên khác là đảo Yến. Nước trong đến nỗi từ độ cao 15 m bạn vẫn có thể nhìn thấy đáy.
Có vô số những món ngon không thể bỏ lỡ khi ở trên đảo, như tôm hùm, cầu gai, bánh xèo hải sản... Tại Bình Hưng có b loại tôm hùm nổi tiếng đó là giống tôm đỏ, tôm xanh, tôm bông. Các loài này nuôi nhanh lớn lại có giá trị xuất khẩu cao, đem đến nguồn lợi chính cho người dân nơi đây. Tôm hùm thường chế biến rất đơn giản như hấp, nướng hay nấu cháo… nhưng cũng đủ làm "say lòng" thực khách với hương vị vừa béo ngọt vừa thơm phức. Cầu Gai hay còn gọi là Nhum là món ăn rất dễ chế biến, có thể dùng để ăn sống với mùi tạt, tái chanh, đem nướng với bơ hoặc mỡ hành. Đặc biệt là món cháo Cầu Gai và Cầu Gai chưng trứng là sự kết hợp hoàn hảo giữa các sắc màu, mùi vị của các thực phẩm tạo nên một món ăn bổ dưỡng và là bài thuốc bồi bổ sức khỏe hữu hiệu.
Cách chế biến bánh xèo hải sản ở đây không khác nhiều so với bánh xèo ở vùng miền khác. Ngoài nhân hải sản cực kỳ tươi ngon với tôm, mực, nghêu, sò chín tới còn giữ nguyên được độ ngọt, điểm khác biệt nữa làm món bánh xèo hải sản Bình Hưng trở nên đặc biệt là bánh vừa nhỏ, hơi giòn, hơi vàng, rất ít dầu mỡ.
Nếu ai đã từng một lần thử món bánh căn mực tươi ở Bình Hưng chắc chắn sẽ nhớ đến nao lòng. Nguyên liệu chính để làm bánh căn là bột gạo và mực tươi. Dụng cụ không thể thiếu là một lò than nóng, một rổ khuôn bằng đất nung. Khi để lên lò than, khuôn nóng, dùng vá múc bột đã chuẩn bị, khuấy đều đổ vào khuôn, thế là khoảng ba phút bánh chín, thơm giòn, ta có món bánh căn mực nóng tuyệt vời, vừa thổi vừa ăn.
Một số lưu ý khi đến thăm đảo Bình Hưng, bạn nên mang theo hành lý gọn nhẹ, quần áo chất liệu cotton, mỏng và mát. Nhớ mang theo đồ tắm vì biển Bình Hưng rất đẹp; kem chống nắng, ô hay áo đi mưa để lúc nào cũng sẵn sàng đối phó với thời tiết.
Bài: Minh Khang - Ảnh: Hiếu Đoàn
Theo nhandan.com.vn