Lớn lên trên mảnh đất Mỹ Đức trái ngọt cây lành, tuổi thơ của tôi và đám bạn gắn chặt với những vườn cây mát rượi. Nơi ấy, mỗi năm có đến mấy tháng chúng tôi sống trong mùa nhãn quê để nó biến thành nỗi nhớ tự khi nào không hay.
Người phương xa chắc sẽ phì cười nếu tôi nói rằng mùa nhãn là nỗi nhớ, nhưng với đám con nít ngày ấy thì mùa nhãn xưa rất gần gũi, thân thương, khắc sâu những kỷ niệm đẹp của thuở thiếu thời.
Những cây nhãn Mỹ Đức hiện nay có tuổi ngang với đời người
Quên sao được khi cái nắng tháng 3 (âm lịch) chang chang thiêu đốt đất trời, chúng tôi tập trung chơi dưới những gốc nhãn già nua. Những thân cây to lớn, hằn lên dấu thời gian qua lớp vỏ sần sùi, chắc nịch. Bao nhiêu thứ trò chơi con nít đều diễn ra dưới bóng mát của mấy cây nhãn trong vườn như thế. Và rồi nhãn đơm bông. Mấy chùm hoa trắng nhỏ xíu cứ lấp ló dưới tán lá xanh. Khi ấy, người lớn bắt tay vào chăm sóc để nhãn đậu trái nhiều nhất có thể.
Tháng 5 (âm lịch), mưa bắt đầu “già” cũng là lúc những trái nhãn to hơn lóng tay cái xuất hiện trong con mắt “thòm thèm” của đám trẻ. Mùi hương dân dã cứ nồng nàn quyện trong từng góc vườn và thơm lừng hẳn lên mỗi khi trời sập tối.
Khi ấy, nội tôi dùng những chiếc lồng đan bằng tre bao từng chùm trái lại để dơi không ăn được. Thời đó, nhãn ở Mỹ Đức - Khánh Hòa toàn cây cổ thụ với giống thuần chủng đúng với tên gọi từ nơi sản sinh ra chúng. Nội nói, mỗi cây nhãn Mỹ Đức trong vườn đều có tuổi ngang ngửa với đời người. Bởi vậy, nội thương mùa nhãn như thương chính mảnh đất mình đã sinh ra.
Đầu tháng 6 (âm lịch) cây nhãn có lứa trái đầu tiên. Nội cẩn thận hái từng chùm trái to rồi bày lên bàn thờ, thắp hương khấn vái tổ tiên. Truyền thống người quê là vậy, ông bà “ăn” trước, con cháu ăn sau.
Với chúng tôi, được người lớn cho một chùm nhãn là niềm vui không gì tả nỗi. Cái hương thơm nồng nàn, cái vị ngọt thanh thanh với từng múi thịt trong veo của trái nhãn đã trở thành món ngon không gì thay thế được. Sau những cơn mưa, nhãn rụng đầy vườn. Mấy đôi chân trần cứ lội sình “ọp ẹp” đi lượm từng trái nhãn còn nguyên mang về rửa sạch để thưởng thức.
Thời đó, nhà nào cũng có nhãn nên chẳng mấy khi đám con nít chúng tôi táy máy. Giờ đây, ký ức ấy vẫn còn và cứ chực sống lại mỗi khi tôi bắt gặp những mâm nhãn bày bán dọc đường. Tuy nhiên, đó là giống nhãn xuồng cơm vàng mới xuất hiện ở Mỹ Đức tầm chục năm trở lại đây, trong khi giống nhãn Mỹ Đức ngày xưa phần vì “lão”, phần vì năng suất thấp đã dần mai một.
Nội tôi cũng trồng nhãn xuồng cơm vàng bởi giá trị kinh tế cao, nhưng ông vẫn giữ vài cây nhãn Mỹ Đức sau nhà để con cháu ăn chơi. Với nội, đó là kỷ niệm nên khó lòng dứt bỏ. Nội bảo, trái nhãn Mỹ Đức “chánh tông” thì vỏ phải bóng, 2 “má” nó căng tròn và nhất là mùi thơm rất đậm.
Phẩm chất nhãn Mỹ Đức trăm năm vẫn thế, chỉ là kích cỡ trái ngày càng nhỏ và năng suất chẳng được bao nhiêu. Nhà vườn nào còn thì chưa đến chục cây nên người ta phải thay thế bằng nhãn xuồng vốn được thực khách gần xa ưng ý.
Hiện nay, huyện Châu Phú đang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ cùng Viện Cây ăn quả miền Nam đang nỗ lực phục tráng lại giống nhãn Mỹ Đức để bảo vệ loại cây đặc sản này. Đây là bước đi cần thiết để giữ gìn, phát triển giống nhãn đặc thù của địa phương.
Giờ đây, nội tôi ngoài 80 tuổi đời nên tóc đã bạc, da đã trổ đồi mồi nhưng ngày ngày vẫn chăm sóc vườn nhãn như thời tôi còn nhỏ vậy. Dưới bóng mát của những cây nhãn già nua, bóng ông lão làm vườn vẫn cứ thấp thoáng với bàn tay cần lao run run nâng niu từng chùm trái đu đưa vắt vẻo trên cành không chỉ vì giá trị kinh tế, mà hơn hết là tấm lòng đối với loại cây đã khẳng định “thương hiệu” cho vùng đất Mỹ Đức - Khánh Hòa (An Giang).
Mùa nhãn nữa đang về mang đến nguồn thu cho những hộ làm vườn và đáp ứng nhu cầu thưởng thức loại trái cây đặc sản của thực khách gần xa. Đối với tôi, mùa nhãn vẫn là kỷ niệm, nhắc nhở về tuổi thơ tươi đẹp để trên những nẻo đường xuôi ngược, bất chợt gặp xề nhãn bên đường lòng lại miên man nhớ về mùa nhãn quê hương và những góc sân vườn quen thuộc.
Thanh Tiến/ Báo An Giang