Lễ trình diện Ngọc Hoàng - một nghi lễ trong lễ cấp sắc của dân tộc Sán Chỉ |
Lễ cấp sắc cũng giống như lễ thành đinh của các dân tộc khác ở nước ta, đó là nghi lễ đánh dấu một giai đoạn của cuộc đời con người, giai đoạn từ tuổi thiếu niên đến tuổi trưởng thành và được cộng đồng công nhận có vị trí trong đời sống của người Sán Chỉ.
Ông Phón Di Giặm, dân tộc Sán Chỉ ở xóm Nà Dạn, xã Thượng Hà (Bảo Lạc, Cao Bằng) cho biết: Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu đối với người đàn ông Sán Chỉ. Người đàn ông Sán Chỉ được cấp sắc mới được công nhận là trưởng thành, được thực hiện quyền của cá nhân đối với cộng đồng, được cúng bái và hành nghề cúng bái, từ sau lễ cấp sắc, người được cấp sắc bắt đầu được giao tiếp với cõi âm.
Trong lễ cấp sắc có các bậc khác nhau: 3 đèn, 7 đèn, 12 đèn. Ngày tháng cấp sắc được lựa chọn cẩn thận, người được cấp sắc phải thuần thục các nghi lễ trong bản sắc. Việc cấp sắc trong gia đình phải tuân thủ theo một trật tự từ trên xuống dưới. Buổi lễ có thể làm thủ tục cho một hoặc vài người cũng được nhưng phải là số lẻ.
Tên “cấp sắc” bắt nguồn từ việc người trải qua nghi lễ được thầy cúng cấp cho bản sắc ghi bằng chữ Nôm. Nội dung nói về lai lịch của người thụ lễ, nguyên do thụ lễ, ngày và nơi thụ lễ, do ai cấp sắc cho và các điều răn. Nghi lễ này còn được gọi là “Pạt búa”. Thông thường người con trai Sán Chỉ trước khi lấy vợ, từ lúc lên 15 tuổi trở lên phải qua lễ cấp sắc; nếu lúc còn sống chưa làm lễ cấp sắc thì sau khi chết con cháu phải làm lễ cấp sắc cho. Người đàn ông dù lớn tuổi nhưng chưa qua lễ cấp sắc vẫn bị coi là trẻ con, không có vai trò gì trong dòng họ và cộng đồng; theo quan niệm của họ, khi chết sẽ không được về với tổ tiên. Còn khi đã được làm lễ, có tên âm thì ngoài mọi quyền lợi người đàn ông đó còn được phép làm thầy trong các lễ cấp sắc con cháu dòng họ ngoại. Người Sán Chỉ tin rằng, được cấp sắc thì làm ăn mới may mắn, sinh hoạt mọi mặt được thuận lợi, dòng họ mới phát triển.
Chính vì quan niệm như vậy nên dù có tốn kém nhưng gia đình có con trai đến tuổi (từ 15 tuổi trở lên) đều phải tổ chức lễ cấp sắc theo từng bậc khác nhau như: Bậc thấp được cấp 3 đèn và 36 binh mã; Ngũ tinh được cấp 5 đèn, 36 binh mã; Thất tinh được cấp 7 đèn và 72 binh mã; Cửu tinh được cấp 9 đèn và 72 binh mã; Thập nhị tinh được cấp 12 đèn và 120 binh mã.
Lễ cấp sắc thường được tổ chức từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau, lúc mùa màng đã thu hoạch xong hoặc chưa vào vụ mới. Gia đình làm lễ cấp sắc phải chuẩn bị gạo, thịt, tiền để làm lễ cúng thần, mặt khác phải mời anh em, họ hàng gần xa đến vừa dự lễ vừa giúp dựng lán thờ. Lán thờ được dựng lên ở khoảnh đất bên cạnh hoặc xa nhà ở một chút và được dựng theo một kiểu nhà thu nhỏ. Sau đó là chuẩn bị bàn địa. Bàn địa là nơi tiến hành những nghi lễ cuối cùng của lễ cấp sắc. Nơi đặt bàn địa là vị trí cao, thoáng ở đầu bản, làng.
Lễ cấp sắc gồm có các nghi lễ: Lễ trình diện, thầy cả mặc y phục, đội mũ lễ đọc sớ kể lai lịch như: Họ, tên, tuổi, con cháu của dòng họ tông tộc nào, quê quán của người được cấp sắc. Lễ lên đèn, người được cấp sắc ngồi trên ghế nhỏ trước bàn thờ tổ tiên và đàn cúng, hai tay giữ cây đèn cao khoảng 1 - 1,5 m làm bằng thân cây tre hoặc nứa, có gắn trên đỉnh và xung quanh 3 bầu dầu (hoặc nến) để đốt sáng. Sau khi làm phép, thầy cả đốt sáng ngọn đèn trên đỉnh, sáu thầy phụ đốt sáng sáu ngọn đèn xung quanh. Thầy cả tiếp tục làm phép, thầy thứ hai đọc các bản sắc, những điều nguyện thề và những điều răn.
Lễ hạ đèn và giao âm binh, các thầy cúng lấy một tấm vải trắng dài khoảng 4 m, rộng 0,8 m, căng ngang, song song mặt đất trước đàn cúng, thầy cúng cả và người được cấp sắc mỗi người giữ một đầu, trên tấm vải có một ít gạo và vài đồng bạc. Thầy thứ hai làm phép, dùng gậy tầm xích nâng chỗ giữa tấm vải lên, dồn những hạt gạo, đồng bạc về hai đầu tấm vải rồi lấy kéo cắt đôi tấm vải. Người được cấp sắc giữ một nửa tấm vải cùng những hạt gạo và vài đồng bạc, tượng trưng âm binh vừa được cấp. Sau khi cấp âm binh, thầy cả làm lễ ban mũ thầy cúng, đai buộc lên đầu cho người được cấp sắc.
Lễ qua cầu, thầy cả khấn và dắt người được cấp sắc qua 7 đồng bạc trắng xếp hàng ngang trước đàn cúng tượng trưng chiếc cầu nối liền hai thế giới âm - dương. Lễ đặt tên, thầy cả viết tên đặt cho người được cấp sắc vào tờ giấy bản rồi đặt vào đàn cúng, khấn xin âm dương. Nếu quẻ thuận là được thánh công nhận, nếu không thuận thì thầy phải xin tên khác. Sau lễ này, người được cấp sắc có tên do thần thánh ban cho.
Lễ tơ hồng (dành cho người được cấp sắc đã có vợ), trước bàn thờ tổ tiên, hai vợ chồng người được cấp sắc đứng cạnh nhau để các thầy cúng vắt qua vai một băng vải đỏ và đọc lời cúng. Lễ thăm thiên đình, để tượng trưng cho việc đưa hồn người được cấp sắc (áp dụng cho người được cấp thất tinh trở lên) lên thăm Ngọc Hoàng và các thần thánh.
Lễ trình diện Ngọc Hoàng được tiến hành trên bàn địa, thầy cả, thầy hai dẫn người được cấp sắc lên trên bàn địa, thầy thứ hai buộc dây từ thắt lưng thầy cả đến thắt lưng người vừa được cấp sắc để dẫn ra. Thầy cả thay mặt Ngọc Hoàng trịnh trọng trao cho cả hai vợ chồng (nếu người được cấp sắc đã có vợ) mỗi người hai tờ “chứng chỉ” cấp sắc. Thầy cả đốt hai trong bốn tờ “chứng chỉ” báo cho Ngọc Hoàng biết, sau đó người được cấp sắc phải qua nghi lễ thử thách và trở về với cộng đồng bằng cách ngã lăn từ trên bàn địa xuống lưới võng đã có mọi người hứng ở dưới đất.
Người được cấp sắc sau khi trải qua mọi thử thách được thần đất, thần gió, tổ tiên và các vị thần linh khác che chở, chính thức được làm một người con của gia đình, dòng họ, một thành viên của cộng đồng.
Thanh Thúy/baocaobang.vn