Nghề làm gốm của đồng bào Khmer huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang tập trung chủ yếu ở xã Châu Lăng với nhiều gia đình đã vài đời giữ nghề làm gốm. Ở nơi này, nghề làm gốm thường được tiến hành vào lúc nông nhàn, và chủ yếu do những người phụ nữ đảm nhiệm. Phụ nữ là những người nắm giữ các kĩ thuật làm gốm, và do đó nghề chủ yếu là do mẹ truyền dạy.
Gốm Tri Tôn từ dụng cụ cho đến cách làm đều vô cùng đơn giản. Điều làm nên sự khác biệt cho gốm ở đây chủ yếu là chất đất và kĩ thuật nung. Đất làm gốm do những người đàn ông đi lấy trong núi. Đất mang về được ủ một thời gian sau đó giã mịn, loại bỏ hết sạn, sỏi, tạp chất và làm cho mịn trước khi tiến hành nặn. Sau khi đất được sàng lọc kỹ, người thợ trộn với nước theo một tỷ lệ mà chỉ có kinh nghiệm lâu năm mới điều hoà được nước và đất thích hợp sao cho đất dẻo mà không nhão, dính kết mà không khô.
Gốm Tri Tôn không sử dụng bàn xoay, việc nặn gốm được người thợ làm hoàn toàn bằng tay, từng chút, tỉ mẩn và khéo léo. Phải tận mắt chứng kiến những công đoạn làm gốm ở Tri Tôn ta mới cảm nhận được hết sự mộc mạc và chân chất của mảnh đất và con người ở nơi này.
Sản phẩm gốm Tri Tôn chủ yếu là các vật dụng dùng trong đời sống hằng ngày, trong đó phổ biến nhất là bếp (cà ràng) và nồi (cà om). Gốm Tri Tôn được làm thủ công hoàn toàn nên sản phẩm làm ra bền, đẹp. Ở vào những giai đoạn trước, khi nghề gốm còn hưng thịnh, các sản phấm gốm Khmer ở Tri Tôn nổi tiếng khắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xuất sang cả Campuchia và nhiều nước lân cận.
Ngày hôm nay không còn nhiều gia đình ở Châu Lăng, Tri Tôn còn giữ được nghề, lớp thanh niên kéo nhau lên thành phố rồi vào làm ở các công ty, nghề làm gốm chỉ còn lại những người bà, người mẹ Khmer gìn giữ, để màu vàng của sắc gốm vẫn óng ả trong nắng vàng.
Nguyên Hạnh - Trọng Đại/VOVTV
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |