Bà Long Thị Nhang dân tộc Chăm Ninh Thuận từ bé đến bây giờ vẫn miệt mài và đam mê với nghề dệt thổ cẩm và khâu những bộ trang phục lễ truyền thống như lễ hội Katê, lễ hội Ramawan, hay lễ cho người đã khuất... Bà cho biết, con gái Chăm ngoài việc học hành và làm những công việc xã hội, còn bắt buộc phải ở bên cạnh người mẹ, để học dệt thổ cẩm và tự may trang phục truyền thống theo cung cách cổ truyền, dần dần trở thành đam mê.
Bà Long Thị Nhang Dân tộc Chăm Ninh Thuận
Người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên người phụ nữ Chăm là trung tâm lưu giữ nét văn hóa đặc sắc, trong đó có áo dài Chăm truyền thống. Với phụ nữ Chăm, áo dài truyền thống là trang phục thiêng liêng và quý giá nhất, chỉ được mặc vào những lễ hội lớn của dân tộc, hay đặc biệt trong ngày cưới, cô dâu được trang điểm lộng lẫy cùng trang phục áo dài nhung đỏ, không xẻ hông, tóc và hai tai đều cài hoa, trâm cài đầu và đeo trang sức. Tuy nhiên với người Chăm Bà - Ni trang phục lễ cưới lại là áo dài màu trắng.
Trang phục cưới truyền thống của đồng bào Chăm
Ngoài trang phục trong lễ cưới, trang phục trong các ngày lễ của người Chăm rất phong phú, tuy nhiên lại thể hiện cấp bậc rất rõ ràng trên trang phục khi gắn với các nghi lễ truyền thống.
Trang phục nam của dân tộc Chăm vùng Thuận Hải, đàn ông lớn tuổi thường để tóc dài, quấn khăn. Đó là loại khăn màu trắng có dệt thêu hoa văn ở các mép và hai đầu khăn cũng như các tua vải. Khăn đội theo lối chữ nhân, hai đầu thả ra hai mang tai. Nhóm Chăm Hroi đội khăn trắng quấn gọn trên đầu. Nam mặc áo cánh xẻ ngực màu sáng hoặc tối. Đó là loại áo cổ tròn cài cúc. Có người mặc áo ngắn, xẻ ngực, cộc tay. Các đường viền ở cổ sườn, hai thân trước và gấu được trang trí và đính các miếng kim loại hình tròn, có nhóm mặc lễ phục là loại áo dài xẻ nách trắng hoặc đỏ. Trang phục cổ truyền là chiếc váy và quần.
Trang phục truyền thống nam của đồng bào Chăm
Về cơ bản, phụ nữ các nhóm Chăm thường đội khăn. Cách hoặc là phủ trên mái tóc hoặc quấn gọn trên đầu, hoặc quấn theo lối chữ nhân, hoặc với loại khăn to quàng từ đầu rồi phủ kín vai. Khăn đội đầu chủ yếu là màu trắng, có loại được trang trí hoa văn theo lối viền các mép khăn (khăn to), nhóm Chăm Hroi thì đội khăn màu chàm.
Lễ phục thường có chiếc khăn vắt vai ngoài chiếc áo dài màu trắng. Đó là chiếc khăn dài tới 23m vắt qua vai chéo xuống hông, được dệt thêu hoa văn cẩn thận với các màu đỏ, trắng, vàng của các mô tip trong bố cục của dải băng.
Nhóm Khánh Hòa và một số nơi, chị em mặc quần bên trong áo dài. Nhóm Chăm Hroi mặc váy quấn (hở) có miếng đáp sau váy. Nhóm Quảng Ngãi mặc áo cánh xẻ ngực, cổ đeo vòng và các chuỗi hạt cườm.
Trang phục Chăm, vì có nhóm cơ bản là theo đạo Hồi nên cả nam và nữ lễ phục thiên về màu trắng. Có thể thấy đặc điểm trang phục là lối tạo hình áo (khá điển hình) là lối khoét cổ và can thân và nách từ một miếng vải khổ hẹp (hoặc can với áo dài) thẳng ở giữa làm trung tâm áo cho cả áo ngắn và áo dài. Mặt khác có thể thấy ở đây duy nhất là tộc còn thấy nam giới mặc váy ở nước ta với lối mang trang phục và phong cách thẩm mỹ riêng.
Trang phục truyền thống nữ của đồng bào Chăm
Văn hóa Chăm cuốn hút du khách gần xa một phần nào đó cũng bởi những nét độc đáo và mang đặc trưng riêng của những bộ trang phục truyền thống. Bởi bản thân mỗi bộ trang phục này còn hàm chứa nhiều ý nghĩa, triết lý sâu sắc trong đời sống tâm linh của người Chăm./.
Vũ Khuyên/Vietnam Journey