Lễ hội Tết Rừng gắn với những quy định bảo vệ rừng, đã trở thành ngày hội văn hóa cộng đồng độc đáo của xã Nà Hẩu từ nhiều năm nay. Điều đặc biệt của lễ hội là ngoài việc cúng thần linh, thể hiện ý thức tôn trọng, bảo vệ rừng, đây còn được xem như một cuộc họp tổng kết năm của các thôn, bản, có sự tham gia của toàn dân trong xã. Việc thực hiện các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng cấm, rừng thiêng, rừng đầu nguồn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn rừng nguyên sinh Nà Hẩu.
Ông Sùng A Sềnh, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Tết rừng là truyền thống của người Mông chúng mình, để cầu mong thần rừng sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản, trong ba ngày Tết Rừng cả bản bảo nhau không ai được lên chặt cây, săn bắt, đào măng, lấy củi từ rừng. Tết rừng cũng là dịp để nhân dân trong bản lên kế hoạch cho việc bảo vệ rừng cho cả năm nữa”.
Lễ cúng trong lễ hội Tết Rừng
Ông Vũ Xuân Bá, Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Hàng năm, xã Nà Hẩu và các thôn đều tổ chức Lễ hội Tết Rừng, thông qua lễ Tết này thì ý thức của người dân về bảo vệ rừng rất cao, nâng cao chất lượng rừng; đồng thời tuyên truyền, quảng bá về phong tục, tập quán của người dân xã Nà Hẩu nói riêng, đối với huyện Văn Yên thì thực hiện theo đề án du lịch 2015-2020, xã đang kêu gọi người dân cùng nhau bảo vệ rừng để đưa Nà Hẩu trở thành vùng du lịch sinh thái."
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có diện tích 16.950 ha, là nơi có thảm thực vật phong phú và cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm của Việt Nam. Không chỉ có giá trị lớn về đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, đây còn là khu rừng thực hiện chức năng phòng hộ xung yếu của lưu vực sông Hồng nhằm mục đích bảo tồn các hệ sinh thái và các loài động thực vật, đặc trưng cho khu vực núi thấp dãy Hoàng Liên Sơn nói riêng và phía Bắc Việt Nam nói chung.
Vietnam Journey/ TTXVN