Kèn Pí Lè thường được người Dao sử dụng trong những lễ hội truyền thống, lễ cúng thần lúa, thần rừng, cưới hỏi, lễ tết… Đó là lời tâm tình của con người với trời đất, với núi rừng; lời tâm sự của những đôi trai gái tìm duyên; lời của con cái với cha mẹ…
Các loại nhạc cụ của người Dao như chiêng, trống, kèn Pí Lè đều bắt nguồn từ cuộc sống dân dã gắn liền với thiên nhiên, núi rừng. Tại vùng núi Mẫu Sơn, Lạng Sơn, âm thanh trầm bổng từ tiếng kèn Pí Lè đã gắn liền với đời sống tinh thần của người Dao Lù Gang từ bao đời nay.
Kèn có 3 phần và có thể thổi được 72 giai điệu
Kèn Pí Lè gồm 3 phần: Đầu thổi, thân kèn và loa kèn. Đầu thổi là một ống đồng nhỏ nối liền với thân kèn. Thân kèn là một ống gỗ tròn đục rỗng, có chiều dài từ 30 - 40 cm, chia làm 10 đốt, mỗi đốt được dùi lỗ nhỏ hình tròn. Loa kèn là phần cuối của cây kèn, được làm bằng lá đồng mỏng, uốn hình chóp cụt, có độ dài khoảng 10 cm, đường kính 12 cm, đầu nhỏ của loa nối liền với thân kèn.
Kèn Pí Lè có thể thổi được 72 giai điệu khác nhau, trong lễ cưới thì giai điệu vui tươi, rộn rã; còn đám tang thì nỉ non, buồn tẻ… Kỹ thuật quan trọng nhất khi bắt đầu học kèn là cách nín hơi, nhả hơi và giữ hơi. Khi biểu diễn, trong mỗi nghi lễ khác nhau, người thổi kèn áp dụng các kỹ thuật rung hơi, vuốt hơi, phối hợp với các ngón tay bấm, vuốt trên thân kèn để tạo ra những âm thanh khi thì khoan thai, lúc dìu dặt, khi thì như tiếng suối chảy, khi lại tựa giọng chim hót.
Nghệ nhân thổi kèn Pí Lè Dương Trùng Ngàn, người dân tộc Dao ở xã Công Sơn, huyện Cao Lộc cho biết: "Tôi học thổi kèn Pí Lè từ khi còn trẻ, nhìn người đi trước thổi thế nào thì mình tập theo đúng như vậy, phải học đi học lại nhiều lần mới nhớ”.
Thân kèn được làm bằng gỗ đục rỗng, có chiều dài khoảng 30 - 40cm chia làm 10 đốt, mỗi đốt được dùi lỗ nhỏ hình tròn
Nghệ nhân Hoàng Tiến Thắng cho biết: Học kèn Pí Lè không phải dễ, muốn thổi được phải học lấy hơi, rồi trải qua quá trình luyện tập kiên trì. “Giờ trong xóm chỉ còn người già thổi kèn Pí Lè, thanh niên chẳng còn ai biết nữa. Bọn trẻ không học thì sau này nhà có việc vui, việc buồn ai sẽ thổi? Đây là phong tục từ xa xưa nên không thể bỏ được", ông Thắng trăn trở.
Do kĩ thuật thổi kèn phức tạp nên có người chỉ học được nửa chừng đã dừng lại không theo nổi. Kèn Pí Lè có thể thổi được 72 giai điệu khác nhau nên đòi hỏi người học phải rất kiên trì. Cách học thổi kèn Pí Lè cũng theo lối truyền thống, người đi trước thực hiện, người đi sau làm theo, đến bao giờ thuần thục thì mới chuyển qua học giai điệu khác.
Người Dao sinh sống trên đỉnh Mẫu Sơn vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo của dân tộc
Mẫu Sơn thời gian tới sẽ được đầu tư phát triển mạnh về du lịch. Người Dao tại đây sẽ có cơ hội được đem bản sắc văn hóa dân tộc mình giới thiệu với du khách... và tiếng kèn Pí Lè vẫn sẽ vang lên trên đỉnh mây mù này.
Theo danviet.vn