Ninh Bình có đến 260 lễ hội, có nhiều lễ hội đặc sắc thu hút du khách, đặc biệt là vào mùa xuân, những tháng đầu tiên của năm mới. Du khách đến với Ninh Bình vào khoảng thời gian này không nên bỏ qua một số lễ hội nổi tiếng:
Lễ hội chùa Bái Đính
Lễ hội chùa Bái Đính khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc những ngày đầu xuân. Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ có các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, tế lễ thần Cao Sơn, chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn… Phần hội có các hoạt động mang tính chất văn hóa tâm linh như: Rước kiệu, viết thư pháp, lễ cầu nguyện quốc thái dân an, biểu diễn trống hội, hát chèo…
Lễ hội Hoa Lư
Lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 9 đến 11 tháng 3 Âm lịch để tưởng nhớ công đức của vua Đinh Tiên Hoàng và vua vua Lê Đại Hành và nêu cao đạo lý uống nước nhớ nguồn, cầu mong mưa thuận gió hòa. Lễ hội bao gồm 2 phần: Phần lễ gồm nhiều nghi thức, đặc biệt là rước nước từ sông Hoàng Long và tế lễ ở 2 đền vua Đinh và vua Lê. Phần hội tổ chức diễn trò “Cờ lau tập trận” và các trò chơi dân gian như: đấu vật, cờ tướng, cờ người, kéo chữ…
Lễ hội Tràng An
Lễ hội được tổ chức vào 18-19/3 (Âm lịch) hằng năm tại khu Di sản thế giới Tràng An. Điểm đặc biệt của lễ hội là mọi nghi thức đều diễn ra trên sông. Các nghi thức rước nước, rước kiệu và rồng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng tri ân đức Thánh Quý Minh Đại Vương và cũng là dịp cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Tham dự lễ hội Tràng An, du khách sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ thú của một Di sản hế giới.
Lễ hội đền Thái Vi
Lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16/3 Âm lịch hằng năm. Đây là dịp để nhân dân địa phương và cả nước tưởng nhớ công lao của các vị vua Trần – những người có công lớn đối với dân với nước. Lễ hội bao gồm 2 phần: Phần lễ gồm có lễ rước kiệu và tế lễ. Phần hội tổ chức các trò chơi dân gian như: múa rồng, đánh cờ người, đấu vật, bơi thuyền…
Lễ hội là một hình thức sinh hoạt tập thể mang tính cộng đồng, thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, phản ảnh ước mơ khát vọng của nhân dân, mang nét đẹp truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. nó là tấm gương phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi vùng miền… Vì vậy, mỗi lần tham dự lễ hội là một lần được sống với cái bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Cuộc sống hiện đại có rất nhiều thứ chi phối và cuốn hút con người, tuy vậy, đến với Ninh Bình – một vùng đất địa linh nhân kiệt, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội tham dự những lễ hội lớn kể trên. Đó sẽ là những trải nghiệm thú vị để khám phá đất và người Ninh Bình.
Lan Hương, Theo Sở du lịch Ninh Bình