Các xã rước mâm lễ cầu mùa tại lễ hội lồng tồng Ba Bể
Vùng cao ấm no
Bên chén trà nóng hổi pha từ chính những búp chè ngậm sương non cao trồng ở bản, Trưởng thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông Nguyễn Thanh Tuyến hào hứng cho biết: "Chưa khi nào Tết lại vui như năm nay, bà con thắng lợi lớn nhờ nguồn thu từ cây chè và bán được nhiều ổi, nhiều táo… Ðồng bào ở đây đang từng bước đổi đời rồi". Là một thôn có bốn dân tộc cùng sinh sống, gồm: Tày, Nùng, Dao, Kinh, đa dạng về văn hóa, nhưng người dân Phiêng An lại cùng chung một ý chí, một quyết tâm lao động, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Hơn 20 năm trước, các hộ đồng bào từ nhiều xã khác nhau xuống núi, tụ lại ở mảnh đất này. Khi ấy, khắp vùng chỉ toàn bãi bồi ven sông Cầu, cỏ lau rậm rạp, cao lút đầu người, ruộng không có, cho nên cuộc sống rất khó khăn. Thấy cây chè hợp đất vùng đồi, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các hộ gia đình trong bản bàn nhau tìm tòi, học hỏi cách giâm cành, ươm hạt, mua thêm cây chè giống về trồng. Từ đó, chè được nhân rộng, đến nay đã có hơn 10 ha. Lượng chè khô hằng năm cả thôn đạt khoảng 10 tấn, giá cả ổn định bình quân từ 70 nghìn đến 100 nghìn đồng/kg, riêng chè ô long và chè kim tuyên có giá 200 nghìn đồng/kg. Thế rồi, dần dần, từ cây chè trên đồi, rồi xuống tới những vạt đất bồi ven sông, sức lao động của người dân các dân tộc ở Phiêng An đã mang lại những vườn cây trái trĩu quả, trong đó giống ổi nhập ngoại là cây chủ chốt, trung bình mỗi cây cho thu lợi 800 nghìn đồng/năm. Toàn thôn giờ đã có hơn 2.500 gốc ổi, chưa kể mít Thái, nhãn, vải… Vì vậy, những hộ gia đình có thu nhập hơn trăm triệu đồng/năm không còn hiếm ở Phiêng An như: hộ gia đình chị Ðặng Thị Liên với 3.000 m2 chè và cây ăn quả thu nhập hơn 200 triệu đồng; hộ gia đình chị Hứa Thị Duyên trồng mít Thái, nhãn, ổi Ðài Loan thu nhập hơn 250 triệu đồng; anh Bàn Mí Thái trồng ổi Ðài Loan và chè mỗi năm thu hơn 200 triệu đồng… Cho đến bây giờ, ở trong thôn không còn hộ nghèo, những gian khó xưa đã bị đẩy lùi, nhường chỗ cho khí thế lao động và những hình ảnh ấm no nơi thôn, bản. Phiêng An đã trở thành khu dân cư kiểu mẫu của cả tỉnh Bắc Kạn và đang hướng tới phát triển du lịch cộng đồng từ những vườn chè, vườn ổi sẽ được chỉnh trang để du khách trải nghiệm cùng nét văn hóa dân tộc của người Dao, Tày, Nùng sẽ được giới thiệu.
Ðổi thay ở Phiêng An là chấm phá điển hình cho thay đổi ở cả xã Quang Thuận. Phó Chủ tịch UBND xã Nông Văn Bình cho biết, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đang bước vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cây ăn quả là thế mạnh được đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây phát huy rất mạnh mẽ những năm qua. Riêng cây cam, cây quýt, sản lượng năm 2019 đạt hơn 6.000 tấn, thu về lợi nhuận khoảng 30 tỷ đồng, do vậy thu nhập bình quân đầu người toàn xã đã đạt hơn 36 triệu đồng. Ðời sống kinh tế phát triển, tạo điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, những năm gần đây, cứ vào dịp đầu Xuân như thế này, các cấp chính quyền, đoàn thể lại cùng nhân dân tổ chức hội trại, thi các môn thể thao dân tộc, tung còn, đánh bóng chuyền và trình diễn văn nghệ của các dân tộc.
Phiêng An - Quang Thuận là một trong nhiều điểm sáng của Bắc Kạn trong năm 2019. Ðến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, đều thấy được không khí hồ hởi sau những thành quả lao động trong năm vừa qua. Nhiều người gọi 2019 là năm "được mùa" các sản phẩm nông, lâm sản của đồng bào Bắc Kạn. Chương trình mỗi làng, xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đã mang về 118 sản phẩm cho tỉnh, trong đó có 22 sản phẩm nâng hạng sao và 96 sản phẩm mới. Năm qua, nhiều sản phẩm OCOP đã lên kệ nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Ðỗ Thị Minh Hoa chia sẻ, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 phát triển ít nhất từ 30 đến 40 sản phẩm OCOP truyền thống đặc sắc; hoàn thiện và nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị ít nhất từ 10 đến 20 sản phẩm truyền thống; hình thành từ 20 đến 30 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng và cơ cấu lại 10 đến 15 tổ chức đã có để phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống. Phấn đấu đến năm 2030, có 200 sản phẩm OCOP và phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia, tạo ra 100 tổ chức kinh tế OCOP... Với nhiều chương trình phát triển kinh tế thiết thực, Bắc Kạn hiện đã nâng thu nhập bình quân đầu người lên hơn 34 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt…
Vui hát then trong ngày xuân ở xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm
Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa
Hai năm trở lại đây, tại huyện Bạch Thông, hội lồng tồng (xuống đồng) Phủ Thông thu hút đông nhân dân địa phương và các nơi trong tỉnh Bắc Kạn cùng nhiều khách du lịch ở các vùng, miền cả nước về dự. Lễ hội này mới được khôi phục lại từ hai năm nay với các nghi lễ truyền thống tưởng như đã thất truyền. Người có công rất lớn trong việc này là Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Hóa ở thị trấn Phủ Thông. Ông chia sẻ: "Trong lễ hội lồng tồng, nghi lễ làm nên hồn cốt. Không đúng nghi lễ cổ xưa thì mất đi phần lễ, chỉ còn phần hội, lũ trẻ đi lễ hội sẽ không thấy được ý nghĩa của lễ hội là gì". Cũng chính Nghệ nhân Hoàng Hóa đã góp công lớn vào quá trình phục dựng lại lễ hội khi kỳ công sưu tầm, nghiên cứu trong nhiều năm để tổng hợp lại quy trình tổ chức lễ hội đúng nghi thức xưa.
Nghệ nhân Hoàng Hóa là người duy nhất ở Bắc Kạn được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và là cây đại thụ về văn hóa các dân tộc Tày - Nùng, góp công lớn bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi công tác ở Ty Văn hóa Bắc Kạn, ông đã ghi chép tỉ mỉ lại những bài thơ, bài mo, lời then, lời pụt… vào sổ tay. Cứ thế, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian dần dần trở thành niềm đam mê, thấm đẫm tâm hồn. Ông mày mò dịch thơ, sách tiếng Tày cổ ra chữ phổ thông, phổ lời nhiều điệu dân ca, như: sli, lượn, pụt, then của dân tộc Tày - Nùng. Nhiều tác phẩm của ông phát trên Ðài Phát thanh Việt Bắc, Bắc Thái, Bắc Kạn, trình diễn trong các hội diễn văn nghệ quần chúng.
Trên cơ sở những tư liệu đã sưu tầm trong mấy chục năm, Nghệ nhân Hoàng Hóa đã sắp xếp, biên tập thành 20 tác phẩm văn hóa, văn nghệ dân gian mà ông tâm huyết nhất dành tặng Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn để làm nguồn tư liệu quý về văn hóa dân tộc tại địa phương. Có thể kể đến các tác phẩm: "Dân ca tục ngữ Tày - Nùng trong lĩnh vực tình yêu", "Then Tày bắc Bạch Thông", "Những nghi lễ vòng đời của dân tộc Tày Bắc Kạn", "Thơ đám cưới, nét đẹp trong văn hóa nghi lễ hôn nhân". Một số tục lệ và lễ thức ở các tác phẩm này là nguồn tài liệu rất giá trị trong nghiên cứu về văn hóa dân tộc Tày - Nùng của tỉnh Bắc Kạn.
Nghệ nhân Hoàng Hóa cho biết, ông rất vui vì thấy việc bảo tồn văn hóa các dân tộc được các cấp chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa tỉnh Bắc Kạn thật sự quan tâm thực hiện, chứ không còn đơn lẻ, chỉ vài người tâm huyết như trước đây. Văn hóa các dân tộc được bảo tồn và đang dần được phát huy giá trị, lan tỏa tới mọi người. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 10 câu lạc bộ dân ca ở thôn, bản, huyện và trường học. Tỉnh triển khai nhiều dự án nghiên cứu, bảo tồn dân ca các dân tộc, hằng năm, tổ chức liên hoan thi hát dân ca, xây dựng các đội văn nghệ quần chúng. Tháng 9-2018, Bắc Kạn đầu tư gần một tỷ đồng triển khai dự án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020". Trong đó, tập trung bảo vệ, phát huy hai di sản: Lễ Cấp sắc của người Tày (có hát then trong nghi lễ) và Nghệ thuật múa khèn của người Mông. Dự án phục dựng, mở chín lớp truyền dạy, xây dựng ba phim quảng bá, có phụ đề tiếng dân tộc với 300 đĩa DVD. Năm 2019, tỉnh triển khai dự án "Bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch Ba Bể". Trong đó xây dựng ba đội văn nghệ dân gian hát then, hai đội văn nghệ người Dao ở các bản ven vùng hồ Ba Bể; mở phiên chợ đêm tại bản Pác Ngòi để làm điểm diễn xướng dân ca, dân vũ; xây dựng phim tài liệu, ra cuốn sách về văn hóa dân gian vùng hồ… Thạc sĩ văn hóa Hoàng Anh Thư, cán bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết: "Một mô hình tiêu biểu cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Bắc Kạn là chợ đêm Pác Ngòi. Ðến đây, du khách được thưởng thức nhiều sản vật đặc trưng của địa phương như cơm lam, cá nướng, xôi ngũ sắc, bánh gai, bánh dày gấc…; tham gia các trò chơi dân gian, hòa mình cùng lời ca, điệu múa của đồng bào các dân tộc nơi đây. Việc diễn xướng đều do các nghệ nhân dân gian, đồng bào dân tộc thực hiện, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng hồ".
Ðến nay, trên toàn tỉnh Bắc Kạn có 291 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 13 di sản nằm trong danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể, tiêu biểu như: "Múa khèn của người Mông ở Bắc Kạn", "Chữ viết của dân tộc Dao", "Nghi lễ Quá tăng (lễ cấp sắc) của người Dao ở Bắc Kạn", "Lễ cấp sắc của Then Tày", "Chữ Nôm của dân tộc Tày"; "Lượn Slương của dân tộc Tày", "Lễ hội Lồng tồng Ba Bể", "Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày", "Lễ cầu năm mới, cầu mùa của dân tộc Dao"… Bên cạnh đó, từ sự tài trợ của Quỹ Bill và Melida Gates (Mỹ), Thư viện Bắc Kạn đã điền dã, chụp ảnh thu thập được 88 hiện vật, hơn 64 cuốn thư tịch cổ với 3.497 trang tư liệu với nội dung về cách thức tiến hành nghi lễ của các di sản văn hóa phi vật thể.
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được Bắc Kạn quan tâm đẩy mạnh khi tháng 12-2019, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 10 di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục quốc gia; bảo tồn và phát huy giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể; trùng tu, tôn tạo và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ít nhất 40% số di tích, danh thắng đã được xếp hạng; cơ bản sưu tầm được số hiện vật, lập được hồ sơ bảo tồn số di sản phi vật thể có giá trị, tiêu biểu của các dân tộc có nguy cơ mai một; lập thêm hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân; phấn đấu 50% số cán bộ văn hóa được đào tạo đúng chuyên ngành; 100% số cán bộ văn hóa được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ… Với sự đầu tư bài bản, huy động trí tuệ, tri thức của các nghệ nhân dân gian, tin rằng những mùa xuân tới, bên cạnh sự no ấm, đủ đầy, bản sắc văn hóa các dân tộc vùng cao Bắc Kạn sẽ ngày càng được phát huy.
Theo nhandan.com.vn
Hồ Ba Bể (thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) được ví như "Viên ngọc xanh giữa núi rừng". Mỗi mùa có một vẻ đẹp...
Chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng đã có sự chuẩn bị tốt nhất để đón du khách...
Trong cuộc vận động Cách Mạng Tháng 8 và kháng chiến chống thực dân Pháp, ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn) là nơi diễn...
Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn xác định mục tiêu đưa du lịch với trọng điểm là du lịch Hồ...
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thông qua Nghị quyết, trong đó xác...
Huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) vừa tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận xã An toàn...
Từ đêm qua đến sáng nay, tại Bắc Kạn có mưa lớn trên diện rộng gây ra tình trạng ngập úng và xuất hiện lũ...
Các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn khảo sát,...
Di tích nơi ở và làm việc của cơ quan Trung ương Đảng từ năm 1950 - 1952 tại thôn Nà Quân, xã Bình Trung,...
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp qua khu vực Bắc Bộ nối với vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 1, một số khu vực...
Một xe khách giường nằm bất ngờ cháy rụi khi lưu thông trên Đèo Gió, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn.
Một trận mưa dông xảy ra vào sáng 18/5 ở Bắc Kạn đã làm 2 người bị thương và hàng trăm ngôi nhà hư...