Nơi đẹp nhất Bắc Kạn, với tôi, là thôn Phiêng Chỉ - nơi sinh sống của người Dao đỏ. Đường lên thôn uốn lượn qua những dãy núi trùng trùng điệp điệp, vượt hết đỉnh đồi này lại thấy đỉnh khác hiện ra.
Leo dốc lên đây, lòng tôi ngân lên mấy câu thơ trong Thư ca thiên di của người Dao: “Vượt qua một ngọn núi, lại một ngọn núi. Mưa gió đêm ngày, đường đi khúc khuỷu, quanh co như ruột dê…”.
Phiêng Chỉ tiếng Dao nghĩa là “vùng đất bằng ở trên cao”. Nói như vậy quả không sai chút nào. Phiêng Chỉ có hệ sinh thái đồng cỏ rộng rãi, bằng phẳng và rất đẹp ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển.
Phiêng Chỉ là bản cao nhất, xa nhất, khó khăn nhất của xã Phúc Lộc, của huyện Ba Bể, mà có khi là của cả tỉnh Bắc Kạn nữa. Phiêng Chỉ chỉ có 53 hộ dân với gần 300 khẩu, tất cả đều là người Dao đỏ di cư từ huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng sang đây sau năm 1979.
Anh Trình, người chủ nhà tốt bụng của chúng tôi, kể: “Xưa ở đây cũng có bản, có người sinh sống, nhưng sau điều kiện khó khăn quá người ta bỏ đi. Người Dao ở Nguyên Bình sau chiến tranh cũng không có đất để sản xuất, nên di cư sang đây và giờ trở thành người Bắc Kạn rồi”.
Diện tích tự nhiên của thôn Phiêng Chỉ là gần 10.000ha, trong đó có hơn 200ha rừng phòng hộ, một phần là đất ở và đất sản xuất, còn lại là đồng cỏ. Người dân sống rải rác khắp nơi. Ngay như ở trung tâm thôn, ngoài điểm trường mầm non và tiểu học cũng chỉ có chừng 3-4 nóc nhà. Người dân ở đây hiền hòa, cởi mở và hiếu khách.
Lá cọ được buộc thành túi rất đẹp để đựng măng, cá, rau lúc lên rừng kiếm thức ăn – Ảnh: ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG
Đây là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn nên có khe nước, có suối. Người dân dẫn nước từ khe núi về, nước lúc nào cũng mát lạnh và trong vắt. Nguồn nước dồi dào và thanh sạch ấy không chỉ để dùng ăn, uống, tắm, giặt mà còn được dùng làm thủy điện nhỏ, đủ để thắp bóng đèn và sạc pin điện thoại. Hiện nơi đây vẫn chưa có điện lưới.
Đường lên bản vô cùng khó khăn, cao, dốc và rất nhiều khúc cua tay áo. Anh Đặng Phụ Phin, sinh năm 1990 nhưng đã có kinh nghiệm bốn năm làm trưởng thôn, chia sẻ: “Trước đường từ xã lên đây chỉ có ngựa đi là chính thôi. Đường đất, vừa hẹp vừa dốc, có đoạn dài đi men theo vách núi chỉ rộng chừng 50cm, trời nắng thì cũng chỉ đàn ông dám đi xe máy, trời mưa phải quấn xích vào bánh xe mới đi được.
Vậy nên cả bản chúng tôi phải góp tiền, góp công sức mở một tuyến đường xe máy từ Phiêng Chỉ sang xã Thành Công của huyện Nguyên Bình đấy. Có đường, dân chúng tôi mới thồ được ngô từ trên núi xuống bán chứ”.
Cuối năm 2017, UBND xã Phúc Lộc đã đầu tư kinh phí, cho máy xúc, máy ủi lên mở rộng đường hơn một chút. Nhưng nếu trời mưa, người dân vẫn phải quấn xích vào bánh xe máy mới đi được. Quãng đường rất xấu này cũng phải gần 10km.
Tôi gọi Phiêng Chỉ là “điểm giải nhiệt mùa hè” vì ở đây rất mát. Hoàng hôn vàng óng như mật ong. Cánh đồng cỏ lấp lánh. Những đàn ngựa phởn phơ gặm cỏ. Tiếng chim hót líu lo.
Bình minh, mùa hè cũng như mùa đông, biển mây trắng xóa như muốn nuốt hết các dãy núi. Dân số ít, diện tích đất rộng, mỗi cụm dân cư chỉ vài ba nóc nhà. Các cụm dân cư cách nhau cũng đến vài kilômet.
Căn nhà kiểu truyền thống của anh Trình – Ảnh: TRẦN MINH PHƯƠNG
Ngay trung tâm thôn có nhà anh Trình, nhà làm kiểu truyền thống, rộng. Gia đình có hai bố mẹ, vợ chồng anh Trình và hai con gái. Họ nấu rượu ngô men lá bán cho cả thôn.
Ăn và ngủ ở đây là những trải nghiệm rất thú vị. Dù chúng tôi lên đến nhà lúc 4h chiều, nhưng tới 9h tối mới được ăn cơm vì phải đợi tối hẳn, gà đi ngủ mới bắt làm thịt và nấu cơm được.
Vườn quốc gia Ba Bể là một trong những điểm quan trọng của bản đồ thuốc quý người Dao. Ông Bàn Tuấn Năng – tiến sĩ nhân học, người Dao – sau mấy chục năm nghiên cứu đã chọn lọc vùng gần rừng già để có thuốc chuẩn vị, lập bản đồ gồm những thầy thuốc có từng thế mạnh chữa bệnh riêng: Bắc Sơn (Lạng Sơn) chữa xương khớp; Nguyên Bình (Cao Bằng) chữa run chân tay, tiểu đường, suy thận; Na Rì (Bắc Kạn) chữa gan; Bạch Thông, Ba Bể (Bắc Kạn) chữa thần kinh tọa, gai đôi cột sống, thoát vị đĩa đệm…
Nếu đông y của người Trung Quốc lấy thận làm gốc thì người Dao coi gan làm gốc để giải quyết nhiều loại bệnh. Nếu gan không thải độc, thận phải lọc nhiều thứ độc dẫn đến suy gan, suy thận, suy đa tạng.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi theo chân người Dao đi hái thuốc. Trong một thang thuốc có vị mọc ở đỉnh núi, vị ở khe suối và vị tầm gửi ngọn cây đại thụ. Người hái phải kiếm cây mai (vầu, tre…) đặt cạnh cây lớn, dùng lạt buộc hai thân cây từng nấc một làm bậc thang leo lên.
Có chỗ, họ phải dùng búa đóng đinh móc vào thân cây làm bậc bám lên dần dần. Vất vả thế nhưng họ chỉ lấy số cành đủ dùng, không tích trữ, luôn để lại gốc để cây mọc tiếp. Người Dao là thế, sống hài hòa với thiên nhiên, khai thác nguồn lợi thiên nhiên để mưu sinh nhưng không tận diệt…
Hướng dẫn một phần đường đi tới Phiêng Chỉ: từ ngã ba Nà Phặc rẽ trái theo quốc lộ 279, đi khoảng 9km sẽ thấy một ngã ba nữa, đi thẳng theo đường tỉnh 212 về hướng Nà Bản. Tiếp tục đi khoảng 5km sẽ thấy một dốc nhỏ bên tay phải. Đó là đường đi lên thôn Phiêng Chỉ
Không chỉ thế, người Dao đỏ ở Phiêng Chỉ rất chăm chỉ và giỏi trồng trọt, chăn nuôi. Trồng cây gừng trâu làm dược liệu, trồng dong riềng, trồng ngô, lúa, nuôi lợn đen, nuôi bò, nuôi ngựa… được người dân thực hiện tốt để cải thiện sinh kế.
Chiều đến, chúng tôi hóa thân thành dân du mục để đi đuổi ngựa, cưỡi ngựa, đánh ngựa thồ… Tối, chúng tôi dựng lều, đốt lửa nướng thịt, hâm rượu, nấu trà rồi ngồi ăn uống, trò chuyện, hát ca và chìm vào giấc ngủ ngon lành ngay bên đống lửa bập bùng.
Năm 2016, có một đoàn thiện nguyện ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã hỗ trợ xây điểm trường tiểu học và mầm non cho Phiêng Chỉ. Đây là công trình ở trung tâm thôn, từ đây có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh thảo nguyên Phiêng Chỉ đẹp như bức tranh. Một điểm đẹp và hoang sơ thế này rất thích hợp để khai thác du lịch cộng đồng.
Nếu có cơ hội đến Vườn quốc gia Ba Bể, bạn nên mở rộng chuyến khám phá đến thảo nguyên Phiêng Chỉ, Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén. Bạn sẽ không hối tiếc với hành trình theo dấu chân thiên di của người Dao ở Phiêng Chỉ…
Hướng dẫn đường đi:
Từ thành phố Bắc Kạn đi theo quốc lộ 3 về hướng Ba Bể. Tới ngã ba Phủ Thông rẽ trái theo hướng đi Cao Bằng, tới ngã ba Nà Phặc rẽ trái theo quốc lộ 279, đi khoảng 9km sẽ thấy một ngã ba nữa, đi thẳng theo đường tỉnh 212 về hướng Nà Bản. Tiếp tục đi khoảng 5km sẽ thấy một dốc nhỏ bên tay phải. Đó là đường đi lên thôn Phiêng Chỉ.
Từ đoạn dốc này lên tới trung tâm thôn (điểm Trường Phiêng Chỉ) khoảng 8km và chỉ có thể đi bằng xe máy. Từ điểm trường có thể đi tiếp lên 2-3km để tới điểm giáp ranh giữa tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Cao Bằng, nơi một con gà gáy hai tỉnh đều nghe.
Theo Trần Minh Phương (Tuổi trẻ)