Lượng khách đến Cù Lao Chàm ngày càng tăng cao
Đà Nẵng muốn đưa du khách thẳng ra Cù Lao Chàm
Ngày 5/4 vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng ban hành kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng (giai đoạn 2019-2021). Trong số 8 tuyến du lịch đường thủy nội địa được đưa vào khai thác bổ sung có tuyến Sông Hàn - Cù Lao Chàm.
Theo đó, Đà Nẵng khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tàu du lịch để phục vụ khách có nhu cầu tham quan tuyến theo tiêu chuẩn quy định. Chú trọng loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên tàu (khách sạn nổi, tàu lưu trú ngủ đêm trên tàu). Và thời gian kêu gọi đầu tư bắt đầu từ quý 2/2019.
Trước kế hoạch đầu tư phát triển du lịch ngay tại hòn đảo thuộc địa phận của tỉnh Quảng Nam từ phía Đà Nẵng, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xác nhận, đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo Quảng Nam vẫn chưa tiếp nhận bất kì thông tin nào từ lãnh đạo Đà Nẵng về ý định mở tuyến đường thủy và đưa khách ra tham quan Cù Lao Chàm.
“Đà Nẵng không thể đơn phương mở tour du lịch trên đất Quảng Nam mà không thông qua địa phương. Nếu Đà Nẵng muốn tổ chức việc này thì phải ngồi lại với chúng tôi để cùng xem xét, tính toán kỹ” - ông Thu khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP. Hội An cũng xác nhận, Đà Nẵng chưa từng làm việc với Hội An liên quan đến kế hoạch triển khai tour tham quan đưa khách ra Cù Lao Chàm.
Ngoài ra, sau khi xem qua kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng, ông Dũng cho biết thêm, UBND TP. Hội An sẽ giao Phòng Quản lý đô thị tham mưu Sở GTVT Quảng Nam làm việc với Đà Nẵng. “Quảng Nam cần biết Đà Nẵng muốn thực hiện như thế nào? Đưa khách ra sao?” - ông Dũng nói.
Chính quyền Cù Lao Chàm hạn chế khách ra đảo nhằm giữ gìn môi trường an toàn nhất cho đảo
Giới hạn lượng khách ra đảo tham quan để bảo vệ môi trường
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An trước thông tin Đà Nẵng đơn phương lập kế hoạch đưa khách đến tham quan khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Theo ông Sơn, việc Đà Nẵng quy hoạch các tour du lịch là chuyện của Đà Nẵng, nhưng triển khai ở địa phận thuộc TP. Hội An thì nhất quyết phải thông qua lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng như Hội An. “Chúng tôi trực tiếp tổ chức sản phẩm du lịch trên đảo nên rõ ràng chúng tôi cần được biết ý định của Đà Nẵng về kế hoạch trên” - ông Sơn cho biết.
Tính đến hết quý I/2019 có khoảng 40 doanh nghiệp đang hoạt động vận chuyển đưa đón khách du lịch tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Năm 2018, Cù Lao Chàm đón hơn 420 nghìn lượt khách tham quan, lưu trú. Dự kiến năm nay số khách sẽ được khống chế khoảng 450 nghìn lượt.
“Để bảo vệ Cù Lao Chàm, vài năm gần đây, chính quyền địa phương giới hạn lượng khách ra đảo tham quan không quá 3.000 khách/ngày. Lý do là cơ sở hạ tầng trên đảo không đảm bảo cho việc phục vụ lượng khách lớn hơn” - ông Sơn nhấn mạnh.
Cù Lao Chàm là một hệ sinh thái tự nhiên rất nhạy cảm và cần được bảo vệ
Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc BQL khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng bày tỏ sự lo ngại trước thông tin trên bởi Cù Lao Chàm là hòn đảo chỉ rộng 15km2, việc phát triển du lịch tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được các cấp chính quyền xác định theo hướng phát triển du lịch sinh thái (dựa trên 3 nền tảng: Bảo vệ môi trường, văn hóa bản địa, lợi ích cộng đồng cư dân).
Hòn đảo này được dành ra các vị trí thực hiện cấy ghép san hô, trồng cỏ biển để phục hồi hệ sinh thái nền đáy, đặc biệt là dự án ấp nở trứng rùa. Cù Lao Chàm dù chỉ là một hòn đảo nhỏ, nhưng có vai trò vô cùng quan trọng cho nguồn lợi hải sản khu vực biển miền Trung. Nơi đây được ví như "lò ấp" giống loài, nơi trú ngụ vào mùa sinh sản của tôm cá từ đại dương... Do đó, đối với Cù Lao Chàm, Hội An đang chú trọng phát triển về chất lượng hơn là số lượng. Và đặc biệt phải đặt lợi ích của người dân địa phương lên hàng đầu.
“Việc mở tuyến du lịch Sông Hàn - Cù Lao Chàm của Đà Nẵng sẽ khiến Cù Lao Chàm đối mặt với không ít thách thức. Trước tiên là chúng ta không thể kiểm soát được số lượng khách (3.000 khách/ngày). Thứ hai là nguy cơ phá vỡ định hướng chiến lược phát triển du lịch của khu bảo tồn biển. Cuối cùng là gia tăng các áp lực lên môi trường, cụ thể như thiếu nước ngọt vào mùa hè, rác thải, nguồn lợi hải sản cạn kiệt do áp lực khai thác trái phép phục vụ du lịch” - ông Vũ cho hay.
Lan Anh, baotainguyenmoitruong.vn
Sáng nay (2/11), tại thành phố Tam Kỳ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Mỳ...
Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, chủ đề “Âm vang đại ngàn năm 2022" vừa khai mạc...
Khu vực miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam được đánh giá có tiềm năng để phát triển du lịch xanh, du lịch cộng...
Tối 22/7, tại đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam khai mạc Festival miền biển "Cù Lao Chàm -...
Trong 10 năm qua, tình trạng sạt lở bờ biển Hội An diễn biến rất phức tạp, gia tăng về quy mô, nhiều khu nghỉ...
Tỉnh Quảng Nam là nơi được đông đảo du khách trong và ngoài nước chọn là điểm đến từ khi Chính phủ mở cửa...
Không chỉ có 2 Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, những sản phẩm du lịch gắn...
Là 1 trong 6 chủ đề đặc sắc trong Năm Du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022, Chương trình “Quảng Nam – Cảm xúc...
Trong khuôn khổ các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022, từ ngày 19 đến 22/5 tới, sẽ diễn ra...
Trên vùng biển Hội An hiện nay có sóng mạnh cấp 6, giật cấp 7 nên UBND thành phố Hội An tiếp tục tạm dừng...
Tiếp nối các hoạt động Năm Du lịch Quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, sáng 22/4,...
Lễ hội Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2022 tại làng Hương Trà, phường Hoà Hương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam...