Thiên đường nơi cửa biển
Cách đây vài năm, trên sông Hàn xuất hiện một số du thuyền được coi là 5 sao khiến nhiều người khấp khởi mừng cho du lịch đường sông Đà Nẵng. Sau sự đổ bộ của Harems 2, một du thuyền khác có tên RV. Han Princess được thiết kế theo chuẩn Châu Âu như tòa nhà tráng lệ xuất hiện làm cho người dân và du khách hết sức thích thú. Lúc đó, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, ngành du lịch có mặt trong lễ ra mắt du thuyền hy vọng đây sẽ là cú hích để làm sống dậy du lịch thủy nội địa. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, những du thuyền sang trọng này ra đi lặng lẽ, sông Hàn lại im ắng trở lại với những con tàu công suất nhỏ đón khách ngắm thành phố vào ban đêm. Một số trong đội tàu này là những tàu cá được cải hoán!
Khi được hỏi, đơn vị quản lý các tàu du lịch hạng sang đều cho rằng, họ đầu tư mạnh để đón đầu những luồng khách có mức chi tiêu cao hy vọng thành phố sớm quy hoạch luồng tuyến và các điểm đến phía vịnh Đà Nẵng. Tuy nhiên, thủ tục quy hoạch, cấp phép để hoạt động tại các điểm đến khu vực phía ngoài cầu Thuận Phước, tiếp cận các điểm đến quanh bán đảo Sơn Trà gặp nhiều trở ngại nên không thể chờ trong điều kiện nuôi con tàu hàng chục tỷ đồng nằm im trên sông Hàn.
Các đơn vị lữ hành tại Đà Nẵng cũng “xót ruột” khi thành phố sở hữu một thiên đường với vị trí bên núi bên sông nhưng gần như chưa có đơn vị nào đường đường chính chính đưa khách đến đây bằng đường thủy. Cùng lắm chỉ có một vài tour tự phát, đến rồi đi, không quản lý được. Theo ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, thành phố có lợi thế tài nguyên về du lịch sông biển, và trong tương lai đây chắc chắn sẽ là sản phẩm chủ lực. Tiềm năng của Đà Nẵng không hề thua kém những thành phố lớn ven biển của Việt Nam và cả những nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên, vướng một số quy định và công tác xã hội hóa chưa đúng mức nên vẫn chưa thể khai thác hết những lợi thế này. “Các điểm đến như Bãi Cát Vàng, Sủng Cỏ, Hòn Chảo, Hòn Sụp, Mũi Nghê... đều như những viên ngọc trong thế núi liền biển. Nhưng đến hiện tại chỉ có mỗi bãi Tiên Sa là được cấp phép điểm đến, tức là tàu du lịch được cập bến mềm để đưa khách đến vui chơi, giải trí. Rõ ràng chúng ta chưa tận dụng được những gì đang có”, ông Dũng cho biết.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh và lãnh đạo các cơ quan liên quan khảo sát thực tế các điểm đến quanh bán đảo Sơn Trà
Chính quyền quyết liệt, doanh nghiệp sẽ không ngại đầu tư
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã chính thức phê duyệt kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa giai đoạn 2019-2021. Trong tuyến sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà, chính quyền kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng điểm đến Bãi Cát Vàng, lắp ghép cầu phao di động để cập tàu, nâng cấp bổ sung các dịch vụ nhà hàng ăn uống, khu cắm trại kèm theo lặn ngắm san hô, câu cá, thể thao biển. Thời gian kêu gọi đầu tư từ quý 2 và đưa vào khai thác từ cuối năm 2019. Cùng thời gian này, thành phố nghiên cứu cho phép doanh nghiệp được khai thác tạm thời phục vụ du khách để hình thành điểm đến như dã ngoại, ăn uống, tắm biển, thể thao biển... tại các bãi Sủng Cỏ, Mà Đa.
Đối với tuyến du lịch này, thành phố tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đóng mới tàu hiện đại, đặc biệt các tàu lưu trú về đêm trên Vịnh Đà Nẵng tham gia khai thác. Cũng theo kế hoạch, các điểm đến như Hòn Chảo, Hòn Sụp, Bãi Nam, Mũi Nghê... thành phố kêu gọi đầu tư các hạng mục dịch vụ phục vụ cho du khách như nhà chờ, phòng vé, nhà vệ sinh, điểm bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương, thể thao biển, lặn biển ngắm san hô và dịch vụ ăn uống...
Để hiện thực hóa kế hoạch phát triển du lịch cửa vịnh, đích thân Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã cùng lãnh đạo ngành du lịch, chính quyền các quận Sơn Trà, Liên Chiểu đi kiểm tra thực tế tại các điểm đến đồng thời lắng nghe kiến nghị, đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp có ý định đầu tư khai thác. Theo ông Chinh, với việc mở 8 tuyến du lịch đường thủy, thành phố hướng tới mục tiêu đầu tư hình thành dịch vụ, điểm đến, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của Đà Nẵng. Đây cũng là yêu cầu đặt ra để tạo sản phẩm hấp dẫn, thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khi đến thành phố. Việc đầu tư khai thác chuyên nghiệp, có quy hoạch cũng sẽ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị về văn hóa lịch sử phục vụ du lịch, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.
“Trong một thời gian dài chúng ta chưa có nguồn lực cũng như chính sách phù hợp để đánh thức những lợi thế sẵn có. Hy vọng với sự quyết tâm của chính quyền, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, du lịch sông biển của Đà Nẵng sẽ được đánh thức, trở thành sản phẩm chủ lực trong chiến lược phát triển du lịch nói chung”, ông Chinh kỳ vọng. Khi được hỏi sẽ xử lý thế nào với kế hoạch phát triển du lịch và bảo tồn tại các điểm đến, đặc biệt là khu vực nhạy cảm như Sơn Trà, ông Chinh cho hay, trong quá trình kêu gọi đầu tư, thành phố cũng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái. Các tuyến du lịch khai thác ở bán đảo Sơn Trà và cửa vịnh Đà Nẵng sẽ chỉ tổ chức trong ngày, không lưu trú qua đêm.
Ngay sau kế hoạch của UBNDTP được ban hành, rất nhiều doanh nghiệp lữ hành đã đề ra chiến lược phát triển sản phẩm và xây dựng điểm đến để sớm bán cho du khách. Theo ông Cao Trí Dũng, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã rất mong chờ chủ trương này. Hiện nhiều đơn vị đã thiết kế sản phẩm, đầu tư hạ tầng để sớm tung ra các tour, các sản phẩm mới, chất lượng. “Thành phố đã làm việc cụ thể với cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều chính sách khuyến khích các đơn vị lữ hành mạnh dạn đầu tư tàu thuyền, bến mềm ở điểm đến cũng như dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí. Hy vọng cuối năm nay, các tuyến mới ở điểm đến cửa vịnh sẽ bổ sung vào danh sách các sản phẩm đặc trưng, thu hút du khách khi đến với Đà Nẵng”, ông Dũng cho biết.
Công Khanh, cand.com.vn
Sau 3 năm gián đoạn do dịch bệnh, UBND thành phố Đà Nẵng vừa quyết định tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà...
Bên cạnh các sản phẩm du lịch hiện có, Đà Nẵng đang tập trung phát triển mảng sản phẩm du lịch cao cấp, trong...
Thời gian gần đây, khái niệm “Kinh tế đêm” dần được các địa phương quan tâm đặc biệt. Nhiều nơi đã tổ chức...
Trước thực trạng thiếu hụt nhân sự ngành du lịch tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, với sự tăng...
Ngành du lịch đang có những bước phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm bị “đóng băng” vì dịch Covid-19 nhưng cũng đồng...
Sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, du lịch Đà Nẵng đã hồi sinh mạnh mẽ. Đà Nẵng là một trong...
Hiện nay, việc tuyển sinh ngành du lịch của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã...
Sau khi hãng VietJet Air và hãng Korean Air khai thác trở lại đường bay trực tiếp Incheon – Đà Nẵng, khách...
Các sản phẩm du lịch biển đêm mới ra mắt trong vài tháng nay, nhưng thành phố Đà Nẵng đã dần khẳng định nỗ...
Tối 3/7, tại công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Lễ hội “Tận hưởng ẩm thực Đà Nẵng và Không...
Đà Nẵng vẫn chưa có trực thăng cấp cứu, trực thăng du lịch cho giới siêu giàu, tàu biển du lịch, du thuyền...
Tối 22/6, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng...