Mô hình tàu ngầm độc đáo tại Khu du lịch Tàu Ngầm
Lên núi xem tàu ngầm
Từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2017, tôi có dịp trực tiếp tác nghiệp, đưa tin về sự kiện đánh dấu thời khắc lịch sử của Hải quân nhân dân VN: 6 tàu ngầm lớp Kilo mà VN đặt Nga đóng lần lượt về đến cảng Cam Ranh. Hình ảnh những chiếc tàu ngầm hiện ra trước mắt, hùng dũng như cá mập khổng lồ để lại niềm tự hào khó diễn tả.
Giờ đây, tôi lại có cơ hội tiếp cận tàu ngầm. Lần này không phải ra biển mà là… lên núi. Từ Tỉnh lộ 3 đoạn qua thôn Khánh Thành Nam (xã Suối Cát), ngước mắt nhìn lên khu vực Suối Lùng, dễ dàng nhận thấy một chiếc tàu ngầm đen trũi đang ngâm nửa thân mình trong… sườn núi. Chủ nhân của công trình này là ông Trịnh Bá Dũng - một người “quen có những ý tưởng lạ”. Ông Dũng đã được nhiều người biết đến khi thực hiện tổ hợp công trình điêu khắc đồ sộ Đường hầm điêu khắc dài đến 1.200 m ở Đà Lạt. Nay lại đang gây ngạc nhiên với những ý tưởng “không giống ai” ở Khánh Hòa, mà điểm nhấn chính là mô hình tàu ngầm lớp Kilo.
Mô phỏng công trình Nhà thờ Núi bằng đá nguyên khối
“Đây là mô hình tàu ngầm có hình dáng, kích thước y hệt chiếc tàu ngầm Kilo ở Quân cảng Cam Ranh, tỷ lệ 1:1”, ông Dũng tự hào. Ông nói tiếp: “Không phải ai cũng có cơ hội tận mắt nhìn thấy tàu ngầm. Tôi muốn “đưa” một chiếc tàu ngầm về đây, để mọi người cùng tìm hiểu, khám phá và cùng tự hào về đất nước ta. Thông điệp lớn nhất muốn nói lên là đất nước mình rất mến khách, yêu chuộng hòa bình, nhưng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.
Ông Dũng cho biết mô hình tàu ngầm được thực hiện trong khoảng thời gian 6 tháng. Công trình có kết cấu bê tông cốt thép với lớp vỏ dày hơn 15 cm, nội thất được thiết kế tinh tế từ vật liệu poly silica. Bên trong tàu ngầm là một khoảng không gian có thể chứa 200 người tham quan cùng lúc. Khi vào trong “bụng” tàu ngầm, du khách có thể dạo bước dọc hai bên lối đi, chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc tỉ mỉ, độc đáo, và cũng có thể dừng chân thưởng thức đồ ăn, thư giãn cùng các giai điệu du dương.
Nha Trang trong… đá
Lấy hình ảnh tàu ngầm để đặt tên cho khu du lịch, nhưng nơi đây không chỉ có mô hình tàu ngầm. Trải dài trên diện tích hơn 10 ha là hàng trăm tác phẩm kiến trúc có một không hai từ đá.
Du khách chụp hình kỷ niệm tại công trình Ngôi nhà Việt Nam
Đó là khi du khách “lạc” chân vào công viên đá được vẽ bằng kỹ thuật 3D, để bắt gặp đại gia đình 12 con giáp, tiếp đến là mô phỏng những công trình kiến trúc nổi tiếng của Nha Trang như: Nhà thờ Núi, chùa Long Sơn, Tháp Bà Ponagar, ga Nha Trang… và cả những tòa nhà cao tầng thể hiện cho sự phát triển của thành phố biển.
“Tất cả các tác phẩm này đều được thực hiện trên chất liệu đá nguyên khối. Đá của chính nơi này. Khi tôi đặt chân đến đây vào mùa hè năm 2016, vùng này còn khá hoang vu, chồng chất đá mồ côi. Tôi đã nghĩ rằng phải thổi các câu chuyện vào những khối đá kia. Vì thế, thay vì di dời, đưa đá đi nơi khác, chúng tôi sử dụng đá như một chất liệu, một ngôn ngữ để kể chuyện. Tạo hình mỗi khối đá là quá trình rất khó khăn, gian khổ nhưng cuối cùng chúng tôi đã chinh phục được để tạo nên những tác phẩm độc nhất vô nhị”, ông Trịnh Bá Dũng kể.
Những khối đá được tạo hình thành các công trình nhà cao tầng ở Nha Trang
Những câu chuyện lịch sử
Thêm một điều du khách ấn tượng khi đến Khu du lịch Tàu Ngầm là vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh quan gần gũi. Ngoài tham quan mô hình tàu ngầm, công viên đá, du khách có thể băng qua những vệt suối, ngồi thư giãn dưới những tán cây, ngắm hoa rừng. Đi dọc theo công trình Con đường Việt Nam, du khách còn được cảm nhận những vẻ đẹp bình dị, thân thuộc như: hình ảnh con trâu, bờ tre, ruộng lúa gốc rạ; trống đồng, đàn tranh; bánh chưng, bánh dày, dưa hấu; liềm gặt, đèn dầu… Xen giữa còn có những chiếc mũ tai bèo, chiếc võng Trường Sơn. Cuối con đường, du khách sẽ bắt gặp tác phẩm điêu khắc Bác đang cùng chúng cháu hành quân… Cách đó không xa là tác phẩm Ngôi nhà Việt Nam, với bản đồ có đủ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên mái nhà, phía trên cửa vào nhà là bài thơ Thần Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt.
Nữ du khách Lê Thị Thanh chia sẻ: “Khi đi vào Con đường VN, bất kỳ ai cũng gặp được quê hương mình ở đó. Nhiều hình ảnh về cuộc sống đời thường tưởng như đã bước chân ra khỏi tâm trí, giờ lại ùa về. Chúng tôi đưa các con đi tham quan, kể những câu chuyện về lịch sử dân tộc, về ký ức của gia đình, để các con biết rằng có những điều bình dị thật vĩ đại”.
Khối đá được tạo hình chú gà trống
Ông Trịnh Bá Dũng chia sẻ thêm: “Tiêu chí của chúng tôi khi thực hiện khu du lịch này là phải “dựa vào thiên nhiên để tôn tạo” và mỗi công trình đều mang những câu chuyện, những thông điệp có thể góp phần truyền tải hình ảnh đất nước, con người VN. Để mỗi người VN đều cảm thấy tự hào về những gì đất nước mình có”.
Nguyễn Chung, thanhnien.vn
Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Mục tiêu...
Mùa hè năm nay, bùng nổ lượng khách du lịch du lịch nội địa đến với Nha Trang- Khánh Hòa. Tuy nhiên, đây là...
Gần 50 ngàn mét vuông bờ biển ở phía Đông đường Trần Phú, thành phố Nha Trang đang được tỉnh Khánh Hòa thu...
Tối 16/6, Liên hoan Du lịch biển Nha Trang chủ đề “Nha Trang, Khánh Hòa - Chạm đến trái tim” đã khai mạc tại...
Trong bối cảnh thị trường khách quốc tế truyền thống quy mô lớn bị đứt gãy, việc tìm kiếm thị trường mới thay...
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đồng ý tổ chức Chương trình Festival Biển Nha Trang- Khánh Hòa 2023 theo đề xuất của...
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh về việc...
Ngày 9/5, UBND tỉnh Khánh Hòa công bố các hoạt động trong Chương trình văn hóa, du lịch, thể thao “Nha Trang...
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, dù thời tiết không thuận lợi, có mưa nhưng lượng du khách đến tỉnh Khánh Hòa...
UBND thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vừa đề nghị các doanh nghiệp du lịch gỡ bỏ nội dung thông tin trên...
Từ ngày 15/3, nước ta mở cửa đón khách quốc tế, phục hồi du lịch. Tại tỉnh Khánh Hòa, lâu nay thị trường...
Xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine, các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nên đồng...