Xã Nhơn Lý nằm trên phần phía đông của bán đảo Phương Mai - cách TP Quy Nhơn hơn 20 km, có diện tích tự nhiên 1.446 ha nhưng phần lớn là đồi núi và cát trắng bao phủ. Xã chỉ quản lý khu vực dân cư tập trung với diện tích 94 ha quanh làng chài cổ, phần còn lại do Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh quản lý.
Cảnh quan làng chài, nghề đánh bắt cá truyền thống, bãi tắm đẹp và Eo Gió đã trở thành tài nguyên thiên nhiên và nhân văn hấp dẫn, thu hút khách đến với Nhơn Lý. Nhà cửa ở làng chài san sát như phố cổ Hội An, đường lên xuống quanh co vì địa hình tựa núi hướng biển.
Eo Gió - bãi tắm đẹp ở Nhơn Lý, Bình Định
Xen lẫn những ngôi nhà mới xây là rất nhiều ngôi nhà có từ những năm 1970 của thế kỷ trước với những bức tường rong rêu, những giàn hoa giấy, những ô cửa sổ mầu xanh lá cây, gợi nhắc về một thời quá vãng.
Làm ngư nghiệp, nhưng làng chài lại không hề có mùi tanh của cá, rất sạch sẽ. Những quán cơm dành cho dân chài nằm sâu mãi trong các ngõ, ngách. Cứ qua một khúc cua lại có một ngôi đền hoặc miếu cổ. Chỉ cần nhìn những gốc bàng mấy người ôm, sần sùi, tán lá phủ kín ngôi miếu nhỏ cũng có thể đoán được tuổi đời của chúng lên đến hàng trăm năm.
Các con đường chính trong thôn đều hướng tới bãi biển, bám theo các con dốc và dẫn nước mưa ra biển một cách tự nhiên. Ðó không phải là những con đường thẳng tắp mà khúc khuỷu để hạn chế sức gió từ biển quét thẳng qua và đủ hẹp để tạo ra bóng râm nhằm chống cái nóng oi ả.
Các tuyến đường theo phương dọc được kết nối với nhau bằng những tuyến đường ngang, nơi bày biện các cửa hàng, tiệm tạp hóa và dẫn đến các điểm sinh hoạt cộng đồng của làng như đình, chùa, miếu.
Ấn tượng mạnh mẽ trước kiến trúc độc đáo của làng chài Nhơn Lý, một số kiến trúc sư người Mỹ đã làm một bộ sưu tập kỳ công về kiến trúc các ngôi nhà và đề xuất một dự án bảo tồn làng cổ Nhơn Lý theo mô hình phố cổ Hội An.
Họ so sánh Nhơn Lý với những ngôi làng cổ nổi tiếng của các nước và phát hiện ra rằng, ở Nhơn Lý, những ngôi nhà xếp lớp từ thấp lên cao và chỉ có một đến hai tầng để không cản trở tầm nhìn ra biển của những ngôi nhà khác. Thật dễ hiểu vì ngư dân là những người luôn ngóng ra biển, chờ thuyền về, tiên lượng bão tố. Phương xa lại là Biển Ðông mênh mông sóng nước, nơi thử thách lòng quả cảm của ngư dân.
Cả xã Nhơn Lý hiện có bốn thôn là: Lý Chánh, Lý Hòa, Lý Lương, Lý Hưng thì mỗi thôn có một ngôi chùa, theo bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Bốn ngôi chùa có bốn tượng Phật ở vị trí cao hơn hẳn, đóng vai trò như những ngọn hải đăng, định hướng cho ngư dân.
Ngày trước, các ngôi miếu, ngôi chùa nằm xa khu dân cư, sau này người dân làm nhà cả trên núi, thành ra miếu, chùa lại nằm giữa thôn. Người trông coi đền được gọi là chánh đền, trông coi miếu, vạn đầm (đình) được gọi là chánh bái. Ðó là những người có uy tín trong thôn, được dân cử ra.
Xã vẫn lưu giữ sáu sắc phong từ triều Nguyễn dành cho lăng Nam Hải vạn đầm Hưng Lương, được xây dựng từ thế kỷ 18. Tại đây, cứ vào ngày 10 tháng 5 âm lịch, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội cầu ngư để mong cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, cuộc sống sung túc, bình an.
Lễ hội cầu ngư làng Nam Hải vạn đầm Hưng Lương tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh
Trong lễ hội, mọi người được thưởng thức màn diễn xướng dân gian chèo Bả Trạo của vùng đất này. Trên bãi biển nơi đây còn có những giếng nước ngọt kỳ lạ. Khi nước thủy triều rút, nước ngọt từ mạch trồi lên, chỉ việc lấy ca múc uống.
Nhơn Lý đang trên đà phát triển nhanh, mạnh song hành với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Phát triển kinh tế càng nhanh thì càng cần giáo dục người dân về các giá trị văn hóa của địa phương, để mọi người đều tham gia giữ gìn, biến các giá trị truyền thống thành các sản phẩm du lịch bền vững. Ðúng như đánh giá của các kiến trúc sư nước ngoài: Làng chài Nhơn Lý là một kho báu, một di sản văn hóa, du lịch của Bình Ðịnh và Việt Nam nói chung.
Tiểu Dương, theo nhandan.com.vn