Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng tiếng khèn bè của già làng Bhling Hạnh ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam mỗi khi cất lên vẫn ngân vang giữa đại ngàn. Bà con ở đây gọi ông với cái tên trìu mến “linh hồn của núi rừng”.
15 tuổi, già làng Bhling Hạnh tham gia cách mạng. Sau ngày quê hương giải phóng, ông về quê và tham gia công tác trong ngành y, tư pháp rồi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Zuôih 10 năm liền. Trong những năm tháng công tác, đến các thôn, bản ông nhìn thấy nhà Gươl không có chiêng trưng bày, lũ trẻ thì mù mờ với chính văn hoá truyền thống dân tộc, một điệu trống chiêng cũng không đánh được. Ông buồn lắm!
Già làng Bhling Hạnh dạy cho các bạn trẻ Cơ Tu ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang điệu múa của dân tộc mình
Năm 1998, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo thành lập mỗi xã một đội trống chiêng. Già làng Bhling Hạnh đến từng nhà trong thôn, trong xã vận động bà con tìm kiếm, cất giữ lại các nhạc cụ truyền thống như cồng, trống, chiêng, đàn Abel rồi thành lập ra đội cồng chiêng mang tên Công Dồn. Chính ông đã cải biên các điệu múa trống chiêng và mừng lễ hội dân gian đi biểu diễn nhiều nơi như thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Ninh.
Những chiếc sừng trâu hay tượng người đều là những nét văn hoá gắn với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người Cơ Tu
Già làng Bhling Hạnh hào hứng, trong những lần đi thi diễn đó đội cồng chiêng Công Dồn dành được nhiều huy chương các loại: “Từ nhỏ vì nhà nghèo nên không có sẵn trống chiêng để đánh. Trong các dịp lễ hội của làng tôi mới được cầm chơi thử. Đến bây giờ, một ngày không nghe được âm thanh của trống chiêng, của khèn, của a luốt là tôi không thể làm được việc gì hết. Âm nhạc chính là cái hồn của dân tộc Cơ Tu, là tình yêu cuộc sống được cha ông gìn giữ lưu truyền qua nhiều đời nên phải giữ lại.”
Từ sự chỉ dạy của già Bhling Hạnh, nhiều thanh niên trong xã đã có thể đánh được tất cả các bài chiêng của dân tộc mình. Anh Bhling Thái, ở xã Zuôih là một trong số những thành viên đó, cho biết: “Tôi rất vui và vinh dự khi đi quảng bá, giới thiệu văn hóa dân tộc Cơ Tu ở nhiều tỉnh. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình và truyền đam mê văn hóa của già Hạnh mà tôi đã thấy văn hóa truyền thống của mình đẹp và hay biết bao.”
Già Y Kông kéo đàn Abel - loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Cơ Tu
Trong hành trình bảo tồn văn hoá của đồng bào Cơ Tu không thể không nhắc đến già làng Y Kông ở xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Đã gần 100 tuổi, già làng Y Kông luôn trăn trở về sự mai một văn hoá truyền thống dân tộc Cơ Tu. Ông bảo, dưới tán rừng đại ngàn giờ đã vắng rất nhiều những mái Gươl hay nhà Mồ theo tập tục Cơ Tu. Chuyện tỏ tình nhau cũng thay bằng nhắn tin điện thoại chứ không biết nói lời yêu bằng tiếng đàn Abel hay hờn giận bằng câu hát lý như cha ông xưa nữa.
Tình yêu cháy bỏng với dân tộc đã thôi thúc già làng Y Kông bỏ tiền dựng nhà Gươl trên mảnh đất của gia đình mình làm nơi để con cháu tìm về. Trong nhà Gươl, già Y Kông trưng bày các loại nhạc cụ truyền thống như đàn đá, sáo và hàng chục bộ cồng chiêng.
Già Y Kông tự tay làm những tác phẩm theo văn hoá người Cơ Tu bằng điêu khắc gỗ
Nhiều năm qua, già Y Kông tìm đến các trường học trong huyện dạy cho các em cách hát lý, đánh chiêng, biết về nguồn gốc của dân tộc mình: “Tôi mua sắm và trang trí trang nhà như ché, chiêng, mền, thổ cẩm rồi tự làm trống để đánh trong các đám cưới, đám hỏi. Mong muốn của tôi là phải giữ truyền thống của người Cơ Tu.”
Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, vùng đồng bào dân tộc Cơ Tu trong huyện chỉ còn ít người như già làng Y Kông biết chế tác và chơi được nhiều loại nhạc cụ. Việc truyền dạy những điệu múa, câu hát lý, đánh trống chiêng cho thế hệ trẻ của già Y Kông không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa, mà còn góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân tộc Cơ Tu.
Phương Cúc/VOV miền Trung
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |