Ảnh: Văn Hạnh, Vnexpress
Tại đây, đoàn khảo cổ đã thực hiện đào khảo sát trên diện tích 5 m2 ở khu vực gần chính giữa cửa động chính. Qua mặt cắt địa tầng hố đào cho thấy: Tầng văn hóa nơi dày nhất còn 70cm. Tổng số di vật đá, xương thu được trong hố đào cũng như trên bề mặt là 73 di vật; trong đó có 71 di vật đá, 1 công cụ mũi nhọn xương thuộc về thời tiền sử, 1 viên đạn đá thuộc thời kỳ Lê Mạc. Ngoài ra, đoàn khảo cổ cũng phát hiện hơn 100 mảnh gốm sứ, chủ yếu thuộc thời kỳ Lê Mạc.
Từ các di vật đá thu được cho thấy các công cụ đều được chế tác từ đá sông suối, mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình, như: Lưỡi rùi ngắn hình bầu dục, nhỏ để cầm tay; các mảnh đá mỏng, 1 cạnh dày để cầm, 1 mặt vát mỏng; là những công cụ chặt thô, nạo thô. Các chày nghiền và nhiều mảnh tước bằng đá được chế tạo bằng ghè đẽo thô sơ.
Các di vật là xương động vật và vỏ nhuyễn thể của ốc sông, vỏ trai, hến và một số hạt quả, là tàn tích của người tiền sử để lại. Ngoài ra, còn một số di vật là xương chi động vật được vót nhọn, được sử dụng làm công cụ săn bắn, xẻ thịt.
Đặc biệt, trong số các di vật được tìm thấy, có một tảng đá nhỏ hình khối chữ nhật, trên bề mặt có dấu vết của 3 lỗ tròn nhỏ cách đều nhau. Đây là di vật thường tìm thấy trong các di chỉ văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn ở vùng núi phía Bắc. Đến nay, chức năng, ý nghĩa thực của loại di vật này vẫn là điều bí ẩn đối với khảo cổ học.
Từ các di vật đã được phát hiện cho thấy động Puông cạn là địa điểm cư trú của con người thuộc nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, lớp cư dân sớm nhất thuộc văn hóa Hòa Bình có niên đại khoảng 8.000 - 9.000 năm trước. Việc phát hiện dấu tích người tiền sử tại động Puông cạn là một minh chứng khảo cổ, góp phần khẳng định con người đã liên tục cư trú từ thời tiền sử cho đến nay trên mảnh đất Ba Bể nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung.
Vị trí đặc biệt của động Puông cạn nằm liền kề với danh lam thắng cảnh động Puông đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh, bên trong động có nhiều thạch nhũ với hình thù kỳ ảo, càng hấp dẫn hơn du khách gần xa đến với địa điểm này.
Tuy nhiên, để bảo tồn, gìn giữ di tích nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, tỉnh Bắc Kạn cần tuyên truyền, vận động nhân dân, du khách giữ nguyên hiện trạng, không đào đắp, san gạt, sử dụng di tích làm nơi nhốt gia súc. Đối với diện tích đất liên quan tới địa điểm khảo cổ vừa phát hiện, tạm thời không đưa vào quy hoạch, kế hoạch mới.
Theo vietnamplus.vn