Năm nào cũng vậy cứ cách tết Xíp xí 2 - 3 ngày, em Hoàng Thị Nhung ở thôn Bản Xa, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ lại cùng mẹ và chị ra chợ mua lá, gạo nếp về gói bánh đôi và chuẩn bị các nhu yếu phẩm thiết yếu làm mâm cơm cúng thần linh, tổ tiên và đãi anh em, bạn bè đến nhà chơi trong dịp này. "Tết Xíp xí có rất nhiều ý nghĩa vì Tết Xíp xí em được cùng mẹ và bà chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên và nghe các câu chuyện ông bà kể về Tết Xíp xí của dân tộc" - em Nhung chia sẻ.
Mỗi dịp Tết Xíp xí, bà Lường Thị Cháy ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ lại nhắc con cháu vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch sẽ để đón khách đến chơi. Bà Lường Thị Cháy cho biết, trong các món ăn ngon đãi khách, không thể thiếu thịt vịt và bánh đôi, loại bánh truyền thống bắt buộc phải có trong ngày Tết Xíp xí. Bánh này làm giống bánh dợm với bột nếp, nhân đỗ, nhưng được gói thành một đôi dính liền nhau. "Ngày 14 tháng 7 thì gói bánh đôi thắp hương cho tổ tiên, rồi mổ con vịt cúng tổ tiên, cầu mong cho con cháu khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt" - bà Cháy cho hay.
Tết Xíp xí của người Thái bao giờ cũng có 2 phần - phần lễ và phần hội. Trong phần lễ có 5 lễ cúng. Lễ cúng ruộng “Tam tế na” là lễ đầu tiên, được tổ chức cho cả bản hoặc mỗi gia đình để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tốt tươi, lúa không bị sâu bọ phá hoại, cây lúa cho hạt to, chắc, mẩy.
Lễ cúng ruộng Tam tế na trong tết Xíp xí
Sau lễ cúng ruộng là lễ cúng tổ tiên, để cảm ơn, nhắc nhớ lại công lao của tổ tiên, dòng họ, ông bà; cầu mong sự phù hộ, giúp đỡ để gia đình ngày càng ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn, không ốm đau bệnh tật...
Tiếp đó là lễ cúng vía trâu, mong con trâu của gia chủ luôn khỏe mạnh để làm tốt việc đồng áng. Sau lễ cúng vía trâu, trẻ con trong các gia đình mang bánh, xôi, gà lên bãi chăn trâu cùng liên hoan; sau đó nô đùa và chơi các trò chơi dân gian như: cướp cờ, nhảy dây, đuổi bắt, đánh khăng... tạo nên không khí vui tươi của ngày Tết Xíp xí. Vì vậy Tết Xíp xí còn được quan niệm là tết của trẻ con.
Cùng với các lễ cúng trên còn có lễ cúng họ ngoại và lễ cúng thần linh. Ông Lò Văn Biến ở tổ Căng Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Người Thái có lịch riêng. Tháng 7 âm lịch là tháng Tết của dân tộc Thái. Lúc này cấy hái xong rồi, con trâu con bò cũng được nghỉ ngơi rồi. Cái Tết Xíp xí này cúng cả thần đồng, cúng ma nhà, cúng tổ tiên, cúng cả vía trâu…"
Để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa tốt đẹp của ngày Tết Xíp xí, đồng thời, quảng bá, giới thiệu tới du khách gần xa về phong tục, tập quán tốt đẹp này, thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực và cụ thể để bảo tồn như: chỉ đạo các đơn vị tổ chức điểm Tết Xíp xí tạo khí thế chung; các cơ quan, ban ngành cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tổ chức Tết Xíp xí trang trọng tiết kiệm, đảm bảo an toàn. Đặc biệt, trong các Tuần văn hóa du lịch Mường Lò diễn ra tháng 9 hàng năm, thị xã đã tái hiện lại Tết Xíp xí thông qua hình thức diễu diễn đường phố để nhân dân và du khách gần xa có thể tìm hiểu, khám phá…
Phụ nữ Thái chơi chò Tó Mắc Lẹ
Bà Quách Thị Thu Nga, Phó trưởng phòng văn hóa thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Ban tổ chức các ngày lễ lớn của thị xã cũng như Ban tổ chức Tuần Văn hóa, du lịch Mường Lò đã có sự chỉ đạo định hướng cho các xã, phường quan tâm trong việc tổ chức triển khai, hướng dẫn cho bà con đón Tết Xíp xí hết sức vui tươi, lành mạnh".
Tiếng trống hội, tiếng nói cười rộn rã khắp các bản làng, trên những sân thi đấu các trò chơi dân gian... Tết Xíp xí chính là dịp đặc biệt để du khách đến Mường Lò, cánh đồng lòng chảo lớn thứ hai miền Tây Bắc, khám phá, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái nơi đây./.
Đinh Tuấn/VOV Tây Bắc