Chùa Phật Tích là một công trình văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, một địa danh nổi tiếng thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cách thủ đô Hà Nội 20km về phía Đông. Ngôi chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X, mang phong cách kiến trúc thời Lý và còn lưu giữ những di vật cổ vô cùng quý giá.
Đáng chú ý nhất là bức tượng Phật A Di Đà được đặt trên một toà sen bằng đá, chạm khắc vô cùng tinh xảo, gồm những đôi rồng uốn lượn trong mây, hình cách điệu sóng nước và những chùm hoa dây mềm mại. Theo văn bia Vạn Phúc Đại Thiền Tự Bi, năm 1057, vua nhà Lý cho xây chùa và dựng một ngọn tháp cao trên núi Lạn Kha, bên trong đặt pho tượng Phật này. Đây là pho tượng Phật cổ nhất được văn bia ghi lại của Việt Nam.
Pho tượng Phật A Di Đà bằng đá lớn nhất và nguyên vẹn nhất của thời Lý. Ảnh: vntrip.vn
Bức tượng này đã được sử dụng làm mẫu để chế tác Pho Đại Phật tượng làm bằng đá có chiều cao 27 mét, nặng 3000 tấn, được đặt trên đỉnh núi Phật Tích. Các chuyên gia, kỹ sư, nhà điêu khắc đã mất gần 3 năm để hoàn thành bức tượng này.
Chùa Phật Tích có 7 gian tiền đường để dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A Di Đà cùng các vị Tam thế Phật, 8 gian nhà tổ và 7 gian nhà thờ thánh Mẫu.
Những bức tượng đá nguyên khối tạc hình 10 linh thú được đặt ngay ở bậc thềm của chùa. Trong khi ở sân sau, có 32 ngọn tháp là nơi cất giữ xá lị của các nhà sư từng trụ trì ở chùa, phần lớn được dựng vào thế kỷ 17, trong đó nổi bật nhất là Tháp Phổ Quang cao hơn 5 mét.
Đông đảo du khách tham dự Lễ hội Khán hoa mẫu đơn hàng năm. Ảnh: vntrip.vn
Thời điểm lý tưởng nhất để thăm chùa Phật Tích là dịp Lễ hội khán hoa mẫu đơn, diễn ra từ mồng 3 đến mồng 5 Tết Âm lịch hàng năm, trong đó ngày chính hội là mồng 4. Khách thập phương đổ về đây lễ Phật, ngắm hoa mẫu đơn, thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng Kinh Bắc và tham gia các trò chơi dân gian thú vị như đấu vật, chơi cờ, đánh đu, hát quan họ…
Lan Hương