Đê hữu sông Đuống, Bắc Ninh
Sông Đuống (còn gọi là sông Thiên Đức) là một con sông dài khoảng 70km, chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, nối sông Hồng và sông Thái Bình. Xung quanh đôi bờ sông Đuống có nhiều di tích lịch sử quý giá và lễ hội văn hóa lâu đời. Đây là nguồn tài nguyên du lịch vô giá của mảnh đất Kinh Bắc vốn không giàu tài nguyên thiên nhiên như các tỉnh thành có tiềm năng du lịch khác.
Bờ bắc sông Đuống được cho là nơi phát tích của triều Lý, còn phía bờ nam là thủ phủ suốt gần một nghìn năm Bắc thuộc. Chính những yếu tố lịch sử này đã để lại cho hậu thế vô số di tích lịch sử: đình, chùa, miếu mạo cổ kính, thâm nghiêm…
Chùa Dâu - di tích nổi tiếng bên bờ sông Đuống
Có đi men theo triền đê sông Đuống mới cảm nhận hết được những thanh âm yên ả, lặng lẽ trong bản nhạc sôi động, hối hả của Bắc Ninh ngày nay.
Giữa một vùng sông nước mênh mông và sự khoáng đạt của đất trời, cứ đi vài cây số, những người đam mê kiến trúc cổ và yêu thích lịch sử hẳn sẽ phải dừng chân khi bắt gặp những mái đình cổ, những ngôi chùa niên đại lên tới gần một nghìn năm hay những khu đền thờ các bậc anh hùng, hào kiệt của dân tộc vốn ẩn chứa trong đó bao nỗi thăng trầm thời đại và cả những nỗi oan khiên thế kỉ…
Bức tượng rồng đá trong đền thờ trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh - biểu tượng nỗi oan khiên thế kỉ
Từ đê sông Đuống đi vào thôn Á Lữ, đền thờ Kinh Dương Vương (nơi thờ Thủy tổ đất Việt) hiện vẫn còn lưu giữ 15 đạo sắc phong thời Nguyễn, chứng thực đền thờ Kinh Dương Vương là lăng tẩm đế vương.
Cách đó chừng 2km là chùa Bút Tháp thâm nghiêm với nghệ thuật kiến trúc cổ độc đáo, những bức tượng Phật quý giá và nhiều cổ vật quốc gia khác…
Quần thể di tích chùa Bút Tháp
Tiếp tục chuyến hành trình xuôi theo triền đê sông Đuống, du khách sẽ lạc vào không gian làng tranh dân gian Đông Hồ nức tiếng xa xưa, nơi được ví von là “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Đông Hồ cũng là một trong những làng nghề truyền thống được khai thác du lịch nổi tiếng bậc nhất xứ Kinh Bắc. Lâu nay, nơi này vẫn là địa danh quen thuộc của nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm và tìm hiểu chu trình làm tranh khép kín của các nghệ nhân dân gian trong vùng.
Sông Đuống chảy hơn nửa chặng đường về phía Đông thì gặp dãy núi Thiên Thai, tạo nên một phong cảnh non nước hữu tình. Cảm giác bắt gặp một miền sơn cước giữa vùng đồng trũng quả thực có sức níu vô cùng, khiến người lữ khách phải dừng chân, xuýt xoa giữa những ồn ào, náo nhiệt của phố thị và một vùng thủy tú nên thơ, để rồi dùng dằng không dứt... Không chỉ vậy, bên dòng sông uốn khúc quanh co là những di tích cổ xưa gắn với dòng chảy lịch sử của đất nước: khu di tích Lệ Chi Viên, chùa Đại Bi, đền thờ trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh…
Đền thờ trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh
Đã một lần đặt chân đến Bắc Ninh, bạn sẽ hiểu vì sao có người đã từng thốt lên rằng: “Đến Bắc Ninh là tìm về quá khứ, hướng tới tương lai và chìm đắm trong một đô thị dòng thời gian”. Và dòng sông Đuống, như hàng trăm năm nay luôn thế, vẫn hiền hòa, nghiêng nghiêng, ôm trọn trong mình biết bao huyền thoại, góp phần bồi đắp nên một nền văn hóa đặc trưng của mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống xa xưa, một đô thị đang chuyển mình mạnh mẽ ngày nay.
Anh Vũ – Lan Hương / Vietnam Journey