Từ lâu, bánh cuốn Mão Điền trở thành ẩm thực độc đáo, món quà quê không thể thiếu của người Kinh Bắc. Để duy trì và phát triển nghề làm bánh cuốn, xã Mão Điền đang phối hợp với các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ người làm bánh, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Bánh cuốn sau khi tráng được người dân xã Mão Điền quết lên một lớp hành phi. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN
Không ai trong xã Mão Điền nhớ được bánh cuốn có từ bao giờ. Họ chỉ biết loại bánh này có từ rất lâu và món quà quê không thể thiếu của người dân nơi đây. Theo hình thức cha truyền con nối, nghề làm bánh cuốn được gìn giữ cho đến ngày nay.
Từ nhỏ, ông Vũ Đăng Thường, thôn Ngòi Hồ Tủng, xã Mão Điền đã được bố mẹ dạy cách làm bánh cuốn. Lớn lên, lập gia đình, ông Thường gắn bó với nghề làm bánh. Từ đó, nghề làm bánh trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình ông.
Ông Thường cho biết, gia đình ông đã có nhiều đời làm bánh cuốn. Trước đây, bánh cuốn Mão Điền được tráng bằng tay nên phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, người làm bánh phải xây lò, đóng than, đan giàng, đóng khuôn, xay bột bằng cối đá và tráng bánh. Trong khi làm bánh bằng máy, ngoài yếu tố chọn nguyên liệu, việc giữ cho lửa than cháy đều trong suốt quá trình máy tráng bánh là yếu tố quyết định đến sự thành bại của cả mẻ bánh. Bánh cuốn Mão Điền có vị thơm của gạo quyện với vị ngậy của hành, vị cay của nước chấm, tạo nên hương vị riêng cho bánh cuốn nơi đây.
Người dân xã Mão Điền làm bánh cuốn. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN
Theo ông Thường, ban đầu, gia đình ông chỉ kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu bán cho người dân địa phương và các vùng lân cận. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, năm 2000, gia đình ông đã chuyển từ tráng bánh bằng tay sang tráng bằng máy. Để thu hút khách, vợ chồng ông đã đi khắp các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội... để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đến nay, bánh cuốn của gia đình ông được đông đảo du khách gần xa biết đến. Hiện, trung bình mỗi ngày, gia đình ông cung cấp ra thị trường từ 500-600 kg, cao điểm dịp lễ, hội lên đến hơn 700 kg, trừ chi phí gia đình ông Thường thu về khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Kế thừa bí quyết làm bánh cuốn của gia đình, chị Vũ Thị Quyên (thôn Mỹ Hậu, xã Mão Điền) chia sẻ, quy trình làm bánh cuốn gồm 5 bước cơ bản, đó là: chọn gạo, ngâm gạo, xay bột, phi hành và đưa bánh vào máy tráng; trong đó, yếu tố quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu. Để có những mẻ bánh ngon, đòi hỏi người làm bánh có sự tỉ mỉ và khéo léo.
Theo chị Quyên, một trong những bí quyết để có được mẻ bánh ngon là chọn gạo ngon, hạt dài, có màu trắng đục, lúc xay bột sẽ mịn và trắng. Trước đây, người dân trong xã Mão Điền thường sử dụng gạo Khang Dân để làm bánh nhưng đến nay được thay bằng các loại gạo thơm ngon hơn. Gạo được ngâm kỹ trong khoảng 30 phút đến một giờ trước khi xay, gạo không nên ngâm quá lâu sẽ làm bánh bị nhão.
Theo hình thức cha truyền con nối, nghề làm bánh cuốn được gìn giữ cho đến ngày nay.
Trước đây, người dân trong xã Mão Điền thường xay bột bằng cối xay đá, tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường, đến nay, hầu hết các hộ đều xay bằng máy. Bột được xay mịn, khi tráng bánh sẽ không bị vón cục. Hành phải chọn những củ nhỏ, bóc hết vỏ khô, rửa sạch rồi thái mỏng đem phi thơm. Hành phi được đem đi xay nhỏ rồi quết lên mặt bánh, đây là công đoạn tạo nên hương vị, màu sắc riêng của bánh cuốn Mão Điền. Khi thưởng thức, bánh cuốn được ăn kèm với giò, chả và chấm với nước mắm, tùy theo khẩu vị từng người.
"Ở Mão Điền, mỗi gia đình có một bí quyết gia truyền để tạo nên hương vị đặc biệt cho bánh. Cùng một nguyên liệu, một công thức làm bánh nhưng đòi hỏi người làm bánh phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn để không ảnh hưởng đến chất lượng bánh khi ra lò", chị Quyên nói.
Ông Vũ Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mão Điền cho biết, từ lâu, bánh cuốn đã trở thành món ăn, món quà quê không thể thiếu của mỗi thực khách khi đến với Mão Điền. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc làm bánh cuốn mang lại, nhiều hộ dân đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Hiện địa bàn xã Mão Điền có khoảng 200 hộ sản xuất, kinh doanh bánh cuốn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Là một trong những hộ sản xuất bánh cuốn lớn của xã Mão Điền, anh Nguyễn Đức Kiên, thôn Mỹ Hậu cho biết, với 1 kg gạo, người dân Mão Điền sẽ tráng được 2,5 kg bánh. Bánh cuốn được bán với giá từ 11.000 -12.000 đồng/kg. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình anh Kiên làm từ 600 - 800 kg, ngày cao điểm là một tấn bánh cuốn. Bánh của gia đình anh được bán khắp các tỉnh phía Bắc, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động trong gia đình, với mức thu nhập ổn định.
Người dân xã Mão Điền làm bánh cuốn. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN
Anh Kiên cho biết, bánh cuốn ra lò phải đạt những tiêu chí cơ bản, đó là hình thức đẹp mắt, chất lượng thơm ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, người dân xã Mão Điền làm hai loại bánh: bánh cuốn hành và bánh cuốn nhân mộc nhĩ.
Theo ông Vũ Văn Mạnh, bên cạnh mặt thuận lợi, nghề sản xuất, kinh doanh bánh cuốn Mão Điền còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn nhân lực. Hiện nay, người có kinh nghiệm làm bánh cuốn ngày càng ít, trong khi đó, hầu hết thế hệ trẻ tại địa phương lại chọn nghề khác. Bên cạnh đó, bánh cuốn Mão Điền chưa có nhãn hiệu sản phẩm nên việc quảng bá thương hiệu đến tay người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ngoài tỉnh chưa nhiều.
Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để gìn giữ và phát triển nghề làm bánh cuốn Mão Điền. Hiện, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền đến người dân chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và truyền dạy nghề làm bánh cuốn cho thế hệ trẻ. Chính quyền xã Mão Điền đang phối hợp với ngành chức năng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bánh cuốn Mão Điền, tạo điều kiện tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này.
Ông Mạnh chia sẻ: Trước mắt, bánh cuốn Mão Điền hướng đến phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và thực khách khi đến tham quan, du lịch tại Bắc Ninh, bởi họ chính là những "đại sứ thương hiệu" đưa món quà quê của người Kinh Bắc đi khắp muôn nơi.
Đinh Văn Nhiều (TTXVN)