Người dân Đình Tổ, Bắc Ninh làm bánh tro để cúng tổ tiên, từ lâu họ đã biết cách điều chế nước tro để bánh vàng như hổ phách, rất hấp dẫn và có vị rất riêng.
Bánh tro vàng trong bắt mắt |
Chắc hẳn ai cũng nghĩ bánh tro thì nguyên liệu quan trọng nhất để làm bánh là nước tro và đơn giản là nước trong lấy từ tro bếp bình thường. Nhưng thực tế để có món bánh vàng trong bắt mắt, nước tro làm bánh rất cầu kỳ. Bánh tro Đình Tổ đặc biệt và khác với nhiều nơi chính là ở nước tro dùng làm bánh.
Bà Nguyễn Thị Hải – hộ làm bánh lâu đời ở Đình Tổ |
Chế biến nước tro là khâu rất quan trọng, theo bà Nguyễn Thị Hải – một trong số ít hộ còn làm bánh ở Đình Tổ, nước tro chuẩn mới tạo nên màu bánh đẹp và vị bánh ngon. Bột tro làm bánh phải được đốt từ lá trầu không, vỏ bưởi khô, quả xoan (sầu đâu) chín, vỏ quả đỗ xanh khô và cây rau dền gai khô. Bởi theo bà Hải, những nguyên liệu này sẽ làm nên màu sắc, mùi hương của bánh tro Đình Tổ mà không nơi nào có được, nhất là lá trầu không.
Trầu không xanh mướt không thể thiếu để làm bột tro |
Mùi hương của lá trầu không hòa quyện hương vỏ bưởi tạo nên hương thơm và vị nồng nồng cho bánh. Quả xoan màu vàng cùng vỏ đỗ xanh khô sẽ cháy đượm hơn khi đốt, và tạo nên bột tro màu nâu đỏ chứ không thâm đen hay xám xịt như tro bình thường. Còn rau dền gai là rau ăn được, không độc, có tính hàn làm nên vị thanh mát của bánh, mà lại rất dễ tìm trong vườn ở làng quê này.
Nước tro có màu nâu đỏ |
Sau khi có được bột tro thì đem hòa với nước để qua đêm cho tro hòa tan vào nước, rồi lọc lấy nước, bỏ bã và sau cùng là hòa với nước vôi trong theo tỉ lệ 2:1. Công đoạn làm nước tro khá cầu kỳ và tỉ mỉ, nước tro phải lọc kỹ không gợn một chút bã nào, nếu không khi ngâm vào gạo sẽ làm bánh bị “bẩn”, không còn trong.
Gạo làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng, vo sạch sau đó đem ngâm vào nước tro khoảng 3 – 4 tiếng, rồi vớt gạo ra và gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Bánh đem luộc khoảng 3 tiếng đồng hồ là chín, không luộc quá sẽ làm bánh bị nhão.
Bánh tro được gói bằng lá dong |
Bánh tro Đình Tổ có màu vàng trong như hổ phách. Bánh tro ăn nguội và chấm với mật mía là ngon nhất, bánh có vị ngọt mát, và hơi nồng nhẹ của vị lá trầu không. Bên cạnh hương vị ngọt ngào, thanh mát, bánh tro Đình Tổ còn có công dụng dược lý mà ít ai biết.
Theo Đông y, bánh tro có vị nhạt, tính mát, ăn rất dễ tiêu, tốt cho tiêu hóa, thích hợp nhất với người già, trẻ nhỏ và người có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ, bánh tro có chức năng tư âm, dưỡng âm.
Mai Cat/ Vietnam Journey