Sau khi những hình ảnh đầu tiên của bộ phim Mắt Biếc được công chiếu, đã gây nên một cơn sốt lớn trong giới trẻ và đặc biệt là những người hâm mộ “cứng” của tác phẩm này.
Chợ Tây Giang được lấy bối cảnh để tái hiện lại chợ Đo Đo trong tác phẩm Mắt Biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Bên cạnh những hình ảnh tuyệt đẹp của phim, thì hậu trường Mắt Biếc tại Huế và Quảng Nam cũng được giới trẻ “săn lùng” để check-in và khám phá.
Địa điểm chợ Đo Đo - địa danh có thực tại Quảng Nam, quê hương nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (một ký ức đặc biệt của nhà văn và từng xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm của ông) cũng được bạn trẻ Quảng Nam - “quê hương của Mắt Biếc” dành sự quan tâm đặc biệt.
Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, chợ quê rất đỗi thân thuộc của miền quê miền Trung
Ai đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh cũng không xa lạ với hình ảnh làng Đo Đo - một hình tượng văn học trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông. Lần đầu xuất hiện trong Mắt Biếc năm 1990.
Làng Đo Đo đã trở thành một địa danh thân thương ghi dấu những kỷ niệm ấu thơ của biết bao cô cậu học trò và của chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà khi nói về nó, lòng ông tràn đầy xúc cảm.
Cây đa có tuổi đời gần trăm năm, xanh um tươi tốt là nơi hóng mát mỗi chiều về của người dân làng Tây Giang
Làng Đo Đo - là một địa danh có thực, nằm ở xã Bình Quế (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), nơi Nguyễn Nhật Ánh đã sống và gắn bó trong 8 năm đầu đời. Chợ Đo Đo với những túp lều ọp ẹp, với những món quà quê giản dị mà tụi trẻ con chuyền tay nhau đã không còn. Nhưng Nguyễn Nhật Ánh thì đã kịp sở hữu một “Đo Đo” của riêng mình.
Và địa điểm được đoàn phim Mắt Biếc lựa chọn đó chính là chợ Tây Giang (thôn Tây Giang, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Bởi vì chợ Đo Đo thật thì không hội đủ các yếu tố tuyệt đẹp như trong tác phẩm nhà văn, đó là hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, những hình ảnh làng quê mộc mạc, thân quen và rất đỗi bình yên.
“Chỉ những người có chất nông dân như tôi mới được chọn làm quần chúng trong Mắt Biếc quay tại đây đấy”, ông Hoàng Tấn An hóm hỉnh chia sẻ
Chợ Tây Giang nằm tại xã vùng cát Bình Sa (Quảng Nam), còn lưu giữ được những hình ảnh tuyệt đẹp của một làng quê Trung bộ. Với những giá trị văn hóa được truyền qua các thế hệ, với con người giản dị, chất phác, thật thà khiến ta lưu luyến không nỡ quay về.
Giếng Lân tại làng Tây Giang cũng xuất hiện trong phim
Ông Hoàng Tấn An (người dân thôn Tây Giang - một trong những diễn viên quần chúng được đoàn làm phim lựa chọn tại nơi đây) hào hứng chia sẻ: “Lần đầu tiên có đoàn làm phim đến đây quay nên người dân rất phấn khởi, khiến cuộc sống vốn tĩnh lặng nơi đây trở nên sôi nổi và vui vẻ lên hẳn”.
Ông Hương cho biết, dân làng Tây Giang rất phấn khởi và hào hứng khi có đoàn về quê quay phim
Ông An nói đoàn làm phim họ rất tử tế với dân, nên người dân cũng đối xử tốt lại với họ. Khi đoàn tuyển diễn viên quần chúng ai cũng nhiệt tình tham gia, người dân lân cận cũng đổ về đây xem náo nhiệt cả một vùng. Mọi người cùng ăn, cùng ở rất chân tình, ai cũng quý mến nhau.
Nhiều ngôi nhà tại đây vẫn còn giữ được mái ngói âm dương
“Không phải ai cũng được chọn đâu nhé, tóc không được nhuộm, tạo kiểu mà phải đúng chuẩn nông dân, mọi người ăn mặc các bộ quần áo giống thời xưa. Có múa lân, hàng quán bày biện giống hệt ký ức của tôi lúc nhỏ, mỗi lần xem họ quay mà mình xúc động lắm. Rồi không được dùng xuồng máy, mà dùng chèo tay, mọi người đốt đuốc sáng rực cả góc sông. Khi có khách đến thăm người dân ở đây ai cũng mừng, cũng quý, nên khi có đoàn đến quay phim chúng tôi còn đi đón rất đông đấy”, ông An vui vẻ nhớ lại.
Quảng Nam - “quê hương Mắt Biếc” còn nhiều địa danh hấp dẫn, đẹp đến nao lòng chờ bạn đến khám phá
Khi có khách đến hỏi thăm về nơi bộ phim Mắt Biếc lấy cảnh quay tại Quảng Nam, người dân làng Tây Giang ai cũng nhiệt tình giới thiệu, chỉ dẫn. Bởi với họ, có người hỏi tức là có người quan tâm đến quê hương mình, là cơ hội để giới thiệu niềm tự hào được gìn giữ từ bao đời đến mọi người gần xa.
Cũng là một trong những diễn viên quần chúng được lựa chọn khi Mắt Biếc quay tại làng Tây Giang, ông Trịnh Văn Hương tự hào chia sẻ: “Làng chúng tôi bây giờ nhiều người biết đến rồi đấy, tự hào lắm, mấy ngày này có nhiều khách đến hỏi thăm . Lúc có đoàn đến làm phim ai cũng hồ hởi, bởi từ thời cha ông đến giờ nơi này rất khó khăn, con cháu bỏ đi làm ăn khắp nơi. Bây giờ quê mình lên tivi chắc tụi nó cũng thấy tự hào thay. Khi biết phim được làm lại từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bỗng thấy rất xúc động. Ai cũng nhiệt tình tham gia, rất phấn khởi”.
Người dân chia sẻ về nơi mình sống được chọn làm bối cảnh trong phim Mắt Biếc
Truyện Mắt Biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra đời năm 1990. Đến nay, sách đã qua 44 lần tái bản với trên 200.000 bản được tiêu thụ. Riêng từ năm 2017, sau khi dự án phim Mắt Biếc của Victor Vũ được công bố, sách bán được thêm 100.000 bản. Đây là những con số rất ấn tượng về xuất bản.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có những kỷ niệm đặc biệt gắn bó với thôn quê. Hầu hết những tác phẩm của ông đều lấy bối cảnh Quảng Nam, khi thì Bình Quế, Bình Tú, khi thì Tam Kỳ... Ông kể về dải đất trắng miền Trung với một giọng tự hào: “Người Việt Nam mình ai mà chưa từng lưu giữ những xúc cảm với thiên nhiên. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, của làng quê mà. Nơi tôi sinh ra cũng vậy, bên này là biển, bên kia là rừng núi, đồng bằng chỉ có một xíu vậy thôi”
Ngoài chợ Đo Đo, thì “quê hương Mắt Biếc” Quảng Nam cũng có nhiều điểm tham quan hấp dẫn, đẹp đến nao lòng như Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, đảo Tam Hải…
Theo dantri.com.vn