Kỳ diệu những cây Pơ mu nhiều người ôm không xuể
Năm 2011, tình cờ người dân hai xã Tr’hy và Axan (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) phát hiện quần thể cây Pơ mu có tuổi đời hàng trăm năm tuổi sinh trưởng trên vùng núi cao hơn 1.500 m so với mực nước biển. Quần thể Pơ mu nằm cách trung tâm huyện Tây Giang về phía tây gần 40 km, có hàng trăm cây có đường kính lớn, lớn nhất là 2,5 m.Năm 2015 và năm 2018, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận quần thể gồm 1.146 cây Pơ mu ở huyện Tây Giang là Cây di sản Việt Nam.
Theo UBND huyện Tây Giang, diện tích rừng ở Tây Giang hơn 90.000 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 70%, với những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm như khu rừng lim xanh, quần thể rừng Pơ mu và rừng đỗ quyên…
Một "cụ Pơ mu" trong quần thể Cây di sản Việt Nam. Ảnh: Đình Hiệp
Gốc cây to nhiều người ôm không xuể
Thu hút khách du lịch
Năm 2017, chính quyền huyện Tây Giang đầu tư Làng du lịch sinh thái Pơ mu với những ngôi nhà sàn truyền thống nằm gần khu rừng Cây di sản Việt Nam. Đây là nơi tiếp đón du khách đến tham quan, thưởng lãm và nếu có nhu cầu lưu trú, du khách đăng ký để khám phá không gian huyền bí giữa núi rừng… Hằng năm, vào tháng 2 dương lịch, UBND huyện Tây Giang phối hợp với các xã tổ chức lễ hội Tạ ơn rừng với những nghi thức mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi giáp với nước bạn Lào. Đây cũng là dịp theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu là thời điểm tốt nhất trong năm để mở cửa rừng. Sau lễ này, người dân mới vào rừng săn bắn, thu hái sản vật.
Làng du lịch sinh thái Pơ mu là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Hữu Trà
Lễ cúng Tạ ơn rừng tổ chức vào mùa Xuân. Ảnh: Hữu Trà
Phần lễ gồm lễ cúng rừng như dựng cây nêu, lễ cúng khai năm mới, tạ ơn rừng đã bao bọc, chở che và là nguồn sống của bao thế hệ đồng bào người Cơ Tu. Phần hội được người dân ở các xã trên địa bàn tham gia với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ vui tươi, phong phú. Lễ hội Tạ ơn rừng được đồng bào Cơ Tu tổ chức vào mùa xuân khi hoa, cây cối đâm chồi nảy lộc, chim rừng hót vang trên đại ngàn và khi người dân bước vào mùa lúa rẫy. Lễ hội mang ý nghĩa tạ ơn Giàng, rừng, núi, sông, suối, cây cối, hoa màu. Nhờ ý thức bảo vệ môi trường sống của mình, nhất là những cánh rừng già, rừng đầu nguồn, đồng bào Cơ Tu đã nối nhau gìn giữ bản sắc, phong tục tập quán, tổ chức lễ hội cúng tế sơn thần vào mùa xuân mang ý nghĩa tạ ơn Giàng, các vị thần rừng, núi, sông, suối, cây cối đã che chở cho cuộc sống của buôn làng và từng gia đình.
Đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ nối tiếp giữ gìn truyền thống tốt đẹp của tiền nhân, bảo vệ rừng đồng nghĩa với bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ quê hương và bảo vệ chính mình…
Theo Thanh niên