Sử chép, đầu thời Trịnh Nguyễn tranh hùng (1627-1786), do chiến tranh loạn lạc, người dân Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh di cư vào Nam, đến địa hạt phủ Thăng Hoa, Quảng Nam, thấy địa lợi nhân hòa, đã dừng chân lập nghiệp. Trong đó, người vùng Nga Sơn - Thanh Hóa đã mang theo nghề làm chiếu. Bằng sức lao động cần cù, trí thông minh sáng tạo, họ đã cải tạo đất mặn thành đồng ruộng, bãi bờ ven sông thành đồng cói, lập làng dệt chiếu. Chiếu Bàn Thạch đã từng là cống phẩm cho Triều đình, quan lại, quý tộc ngày xưa.
Nằm ở hợp lưu các dòng sông Thu Bồn, Trường Giang, Li Li nối với thương cảng Hội An đổ ra Cửa Đại, giao thông trên bến dưới thuyền, Bàn Thạch đã trở thành một trung tâm buôn bán sầm uất, người dân thạo nghề sông nước và dệt chiếu. Trẻ em sáu, bảy tuổi đã biết dệt chiếu. Khi còn nhỏ, các em gái đã được bà và mẹ dạy dệt chiếu làm của hồi môn. Mùa nắng, mọi người ra đồng gặt cói bó từng bó, đem về tuốt, phơi, nhuộm màu và dệt.
Chiếu Bàn Thạch thanh mảnh, trang nhã. Ảnh: internet
Dệt chiếu, về hình thức thì đơn giản, song công việc chuẩn bị lại khá cầu kỳ. Đầu tiên phải chặt một cây cau hoặc tre già thật thẳng làm khung dệt (go) và thoi dệt. Sau đó chuẩn bị sợi cói mịn mặt, không bị chẻ gãy làm sợi chiếu. Khi dệt cần hai người, một người luồn vào sợi go, một người đập. Kế đó, dùng dao phạt đầu chiếu cho vuông vắn và ghim lại bằng dây đay để sợi chiếu không xổ ra. Tùy từng loại 1,2 - 1,6 mét, trung bình mỗi chiếc chiếu phải mất ba giờ làm. Người thợ tiếp tục phải phơi chiếu thật khô tránh mốc đen. Khác với nhiều nơi dệt xong thì in hoa, nhuộm màu, nghệ nhân Bàn Thạch phải nhuộm màu sợi từ đầu, mới đan thành các họa tiết rực rỡ, tinh xảo, nhiều chủ đề.
Thập niên 80, chiếu Bàn Thạch đã có mặt ở Liên Xô, Đông Âu và nay là hơn 30 nước. Trong các lễ hội Ba Thu Bồn, Ấn tượng Mỹ Sơn, Festival Huế, đều thấy chiếu Bàn Thạch tại các gian trưng bày.
Thập niên 80, chiếu Bàn Thạch đã có mặt ở Liên Xô, Đông Âu và nay là hơn 30 nước. Ảnh: internet
Sau ngày giải phóng đất nước, Đông Bình - Duy Vinh đã tập trung phát triển nghề dệt chiếu. Năm 2004, tỉnh Quảng Nam đã công nhận làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch - Duy Vinh, những tấm chiếu khi tham gia hội thi hàng thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội được tặng Giấy khen. Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ - OPEC đã tài trợ cho Duy Vinh 6,6 tỷ đồng để phát triển làng nghề Bàn Thạch, chú trọng vào cơ sở hạ tầng, dạy nghề và bán sản phẩm. Từ năm 2006, Duy Vinh phát huy nội lực, tranh thủ sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và tư nhân xây dựng thương hiệu chiếu Bàn Thạch, trưng bày quảng bá các sản phẩm chiếu, hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Cũng nhờ nằm ở trung tâm phía Đông của huyện, gần cầu Trường Giang, cầu Cửa Đại nối liền từ Duy Vinh đi Duy Nghĩa, Duy Hải và Hội An đã có các chuyến du lịch Hội An - Bàn Thạch - Mỹ Sơn giúp Bàn Thạch trở thành địa chỉ du lịch làng nghề lý thú hấp dẫn đối với du khách. Đến Bàn Thạch, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, bơi xuồng dọc các bờ sông, đi giữa đồng cói, đường làng phơi cói thơm hương lá mới... Vào thôn, sẽ bắt gặp hình ảnh đẹp trước hiên nhà, dưới bóng cây những người phụ nữ nhanh tay dệt chiếu. Những bàn tay xinh đưa thoi đập go lách tách, đưa màu sắc rực rỡ của sợi cói hòa quện với sắc trời sông nước quê hương tạo thành những tác phẩm tuyệt đẹp. Vì lẽ này, mỗi ngày có hàng trăm người đến tham quan, chụp ảnh và mua chiếu Bàn Thạch.
Chợ chiếu Bàn Thạch - Duy Vinh là phiên chợ duy nhất của tỉnh Quảng Nam chỉ bán chiếu, đã tồn tại hàng trăm năm qua bao khắc nghiệt thời tiết, bom đạn chiến tranh. Chợ họp đều đặn từ năm giờ đến tám giờ sáng quy tụ hàng trăm người mua bán các sản phẩm cũng như nguyên liệu cói. Tờ mờ sáng, đã nghe thất tiếng quang gánh kẽo kẹt, tiếng xe đạp kin kít, tiếng xe máy của những dòng người mua bán tới chợ. Mỗi ngày, chợ chiếu Bàn Thạch tiêu thụ đến 8.000 tấm chiếu, bán lẻ hoặc chở buôn đi Quy Nhơn, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn… Chiếu Bàn Thạch đã được xem là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình xứ Quảng dịp hè.
Chiếu Bàn Thạch thanh mảnh, trang nhã đã góp phần làm đẹp đời sống, điểm tô cho bao cặp vợ chồng trăm năm hạnh phúc, bách niên giai lão.
Theo thegioidisan.vn