Gành đá đĩa
Cách TP. Tuy Hòa khoảng 30km về hướng Bắc, sau đó đến thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) rẽ phải về hướng đông khoảng 12km, du khách sẽ đến Gành Đá Đĩa.
Với vẻ đẹp tự nhiên và cấu trúc độc đáo, đây được xem là kiệt tác của đá mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất này, trở thành viên ngọc quý của du lịch Phú Yên.
2. Nhà thờ cổ Mằng Lăng:
Nằm cùng hướng đi Gành Đá Dĩa, Nhà thờ cổ Mằng Lăng (H. Tuy An, Phú Yên) được xây dựng từ năm 1892, khuôn viên rộng hơn 5.000m2, theo kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí.
Hai bên nhà thờ có hai lầu chuông, chính giữa là thập tự giá. Tất cả sơn màu xanh xám giản dị, hòa đồng với khung cảnh ruộng vườn cây lá. Đây là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
3. Hòn Yến:
Hòn Yến thuộc địa bàn thôn Nhơn Hội, cách TP Tuy Hòa khoảng 20km về hướng bắc, cách thắng cảnh Gành Đá Đĩa khoảng 15km về hướng nam. Năm 2018, Hòn Yến được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia.
Hòn Yến nằm cách bờ biển khoảng 400m, có diện tích 1,98ha, độ cao 70m, xung quanh là những vách đá thẳng đứng từ dưới biển lên, được cấu tạo bởi các khối đá bazan hình trụ, hoặc hình lục giác ghép liền nhau theo hướng thu nhỏ dần, tạo cho Hòn Yến có hình chóp nhọn.
Buổi chiều, khi thủy triều xuống thấp, xung quanh Hòn Yến nổi lên những rạn san hô đầy màu sắc. Mọi người có thể lội bộ ra đến đảo để đuổi bắt cá và các loài sinh vật biển đẹp mắt. Khi thủy triều lên, du khách chỉ cần mặc áo phao và bơi trên mặt nước có thể ngắm san hô qua mặt nước trong xanh. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện)
4. Cầu ông Cọp – Cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam:
Cầu ông Cọp bắc qua sông Bình Bá nối liền các thôn phía bắc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An với phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu. Hiện cây cầu này đang nắm giữ kỷ lục "cầu gỗ dài nhất Việt Nam” với chiều dài hơn 800 m và rộng 2,3m.
Vật liệu chính của cầu là những tấm ván gỗ làm từ thân cây phi lao, bạch đàn. Thành cầu làm bằng những thân tre già. Cầu chỉ thiết kế để xe máy và người đi bộ sử dụng.
5. Tháp Nhạn:
Tháp Nhạn nằm ở trung tâm TP. Tuy Hòa (Phú Yên). Đây là một công trình kiến trúc của người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ X đến XIII. Kiến trúc của Tháp Nhạn gồm ba phần theo quan niệm của người Chăm, đó là: trần tục, tâm linh và thần linh.
Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, cao gần 23,5 mét. Vật liệu xây dựng bằng gạch nung và được xếp liền khít, không thấy mạch hồ. Bất kỳ ai khi đến với Phú Yên đều không thể bỏ qua điểm đến Tháp Nhạn. Không gian Tháp Nhạn có thể ngắm nhìn toàn bộ TP. Tuy Hòa, biển, sông, đồng, núi…
6. Bãi Môn – Mũi Điện:
Từ TP. Tuy Hòa đi theo hướng Đông Nam khoảng 35km là tới danh thắng Bãi Môn - Mũi Điện thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Tại đây du khách được ngắm làn nước biển trong xanh của Bãi Môn và khám phá ngọn Hải đăng Đại Lãnh được người Pháp xây dựng vào cuối thế kỉ 19 với diện tích hơn 300m2. Giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc soi sáng cho các tàu cá trong suốt 2 thế kỉ.
7. Vũng Rô:
Vũng Rô là một vịnh nhỏ nhưng xinh đẹp thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Nơi đây gắn liền với di tích Tàu không số.
Ven bờ biển Vũng Rô có nhiều bãi cát vừa và nhỏ. Một số bãi đẹp như Bãi Chùa, Bãi Bàng, Bãi Lau. Trong lòng vịnh có nhiều loại tôm cá trú ngụ. Dưới đáy biển còn có nhiều loại san hô rất đẹp và độc đáo.