Tại miền Tây, hủ tiếu được làm từ bột gạo và bột sắn. Sau khi hai loại bột được trộn đều, cho thêm nước sền sệt, thì sẽ được đổ thành bánh tráng.
Để làm thành bánh, bột đổ lên tấm vải được căng sẵn trên một cái miệng nồi to có nước đang sôi bên trong. Người đổ bột phải khéo léo, làm sao cho lớp bột dàn đều và thật mỏng.
Lò làm bánh tráng thủ công truyền thống, chất đốt là vỏ trấu. “Đốt vỏ trấu để bánh giữ được mùi thơm và ngon hơn” - ông Huỳnh Hữu Niên (65 tuổi, trú tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ), người có 44 năm làm bánh tráng, cho hay.
Chỉ một lúc là bột chín, vung được giở lên. Người ta dùng cây cuộn bánh đan bằng tre để cuộn tròn bánh lại.
Nữ du khách người nước ngoài thích thú khi cầm trên tay bánh tráng vừa ra lò.
Sau khi được hướng dẫn cách làm bánh, nam du khách người nước ngoài tự tay đổ bột, tráng bánh.
Các công đoạn làm bánh tráng được những du khách người nước ngoài thích thú ghi lại.
Nữ du khách người nước ngoài hoàn thành một cái bánh tráng từ công đoạn đổ bột đến lúc cuốn bánh. Bánh tráng sau khi hoàn thành có thể ăn ngay, hoặc phơi nắng cho khô để cắt thành hủ tiếu.
Việc tự tay làm bánh ở lò hủ tiếu thu hút rất nhiều du khách người nước ngoài. “Ngoài du lịch miệt vườn, du khách nước ngoài tỏ ra rất hứng thú với việc trải nghiệm làm bánh tráng ở các lò hủ tiếu” - anh Võ Phi Long (29 tuổi), hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn khách người nước ngoài đến miền Tây, chia sẻ.
Ngoài việc trải nghiệm làm bánh, du khách có thể lựa chọn các loại hủ tiếu có giá phải chăng ngay tại lò để làm quà tặng hoặc đưa về sử dụng.
Trần Lưu - Hưng Thơ/laodong.vn