Cô thuyết minh viên giọng Nam Bộ ngọt lịm dẫn dắt người nghe vào câu chuyện của thế kỷ trước. Khi đó, gia tộc họ Dương đến lập nghiệp ở Nam Bộ khoảng cuối thế kỷ XVIII, tính đến nay đã trải qua 6 thế hệ. Ở thế hệ thứ 3, ông Dương Văn Vị quyết định chọn vùng đất gần vàm rạch Bình Thủy làm nơi xây dựng cơ nghiệp.
Nhà thờ dòng họ Dương là một công trình nằm trong quần thể kiến trúc được phân bố khá đậm đặc bên sông Bình Thuỷ - làng Long Tuyền xưa. Cũng như nhiều kiến trúc tôn giáo, dân dụng của các bậc quyền quý ở Nam bộ được xây dựng lần đầu vào cuối thế kỷ 19 và hoàn chỉnh như hiện nay khoảng đầu thế kỷ 20, nhà thờ dòng họ Dương tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 8.000m2 theo hướng Đông - Tây.
Trước mặt là đường giao thông và sông rạch để đón khí hậu trong lành và thuận tiện trong việc di chuyển. Xung quanh nhà là vườn cây trái, hoa kiểng quanh năm xanh tốt vừa tăng tính thẩm mỹ, tạo không khí mát mẻ vừa thể hiện sự trù phú, bình dị nhưng tao nhã.
Ngôi nhà này được ông Dương Văn Vị xây dựng lần đầu tiên bằng gỗ, lợp ngói vào năm 1870 để thờ tổ tiên, sau thời gian sử dụng trên 30 năm ông đã cho thiết kế xây dựng lại.
Phần còn lại duy nhất của nhà cổ từ ngày đầu xây dựng là chiếc cổng với 2 trái thơm (quả dứa) phía trên cùng, ý là: Tiếng thơm của dòng họ Dương sẽ tồn tại mãi về sau.
Năm 1904, sau khi ông Vị mất, con trai út là Dương Chấn Kỷ (một điền chủ giàu có vùng Đồng bằng sông Cửu Long) đã tiếp tục công việc xây cất ngôi nhà này đến khoảng năm 1911 mới hoàn thiện.
Liên quan đến việc xây dựng ngôi nhà này, có nhiều giai thoại rất ly kỳ. Ly kỳ nhất là giai thoại về việc kí kết hợp đồng làm nhà giữa ông Dương Chấn Kỷ với thầy Ba Nghĩa (người thiết kế, cải tạo lại ngôi nhà) mà đến nay người ta vẫn nhắc lại. Thầy Ba Nghĩa (dân quanh vùng quen gọi là ông Lỗ Ban) nổi tiếng cất nhà đẹp. Ông ta rất dị tướng, cao chỉ một thước lẻ mấy phân, xương sống thì cong vòng khiến dáng dấp nhìn nghiêng cứ như một dấu hỏi.
Ông thường ở trần vận độc một cái quần ngắn bằng lãnh đen, trên đầu chít một chiếc khăn điều đỏ chót. Hai món vật bất li thân của ông thầy Lỗ Ban này là một cái nẻ mực và một chiếc rìu. Gặp thầy Ba Nghĩa, ông Dương Chấn Kỷ đưa ra điều kiện khá ngặt: “Thầy cất nhà cho tôi đẹp rực rỡ hơn người thì khỏi nói nhưng cốt sao khi cất xong tôi phải giàu lên mới được”.
Ông thầy Ba trả lời: “Làm nhà đẹp cho ông không khó nhưng ngặt nỗi cái nghề này, gia chủ giàu thì phần số tôi phải mạt”.
Ông Chấn Kỷ phẩy tay rồi nói: “Đừng lo. Tôi đảm bảo với thầy, mỗi tháng tôi sẽ chu cấp cho thầy một đấu gạo với ba cắc bạc cho đến mãn đời”.
Thực hư cái hợp đồng xây dựng đó thế nào thì không biết, có điều đúng là từ khi xây nhà này, ông Dương Chấn Kỷ đã giàu lại càng giàu.
Theo lời ông Dương Minh Hiển, chủ nhân hiện nay (đời thứ 6 của dòng họ Dương) thì nhà thờ được xây dựng lại để mở rộng không gian tiếp khách và sinh hoạt trong các dịp lễ, giỗ.
Nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn, bó vỉa bằng đá xanh. Theo kinh nghiệm dân gian, chủ nhân đã cho đổ một lớp muối hột dầy 10cm trước khi lót nền bằng gạch bông. Xung quanh nhà xây tường gạch kết dính bằng hồ vôi ô dước. Mái lợp 3 lớp ngói: 2 lớp dưới hình lòng máng, một lớp nhúng vôi bột trắng, do đó khi nhìn lên trần có cảm giác khoáng đãng, sáng sủa, lớp trên cùng sử dụng ngói ống. Các yếu tố trên đã tạo nên một không khí mát dịu cho ngôi nhà .
Có 4 cầu thang lên nhà chính: 2 lên thẳng 2 gian ngoài cùng, 2 hình cánh cung dẫn vào gian giữa. Mặt đứng từ đường có 5 gian, cửa gỗ lá sách theo phong cách Art-Nouveau (một nghệ thuật trang trí Châu Âu thịnh hành vào đầu thế kỷ 20 với vòm cửa hình vòng cung), cột gạch vuông được đắp nổi hoa văn dây lá nho, sóc bằng xi măng. Toàn bộ gạch bông lát nền nhà, hàng rào sắt đúc bảo vệ khuôn viên và nhiều vật dụng khác trong nhà đều được đặt mang từ Pháp sang.
Nhà thờ dòng họ Dương là một trong những ngôi nhà cổ ở Nam Bộ còn lại tương đối nguyên vẹn, được các hậu duệ giữ gìn khá tốt, ẩn chứa bên trong ngôi nhà những phong tục tập quán, câu chuyện lý thú, giai thoại hấp dẫn về gia chủ và các nhân vật đã khai phá, sinh sống ở vùng đất mới này.
Mặc dù được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng không nhỏ của nghệ thuật phương Tây nhưng vẫn không làm mất đi cái hồn dân tộc trong không gian thờ cúng, trong sử dụng hoa văn, hoạ tiết trang trí. Văn hoá Đông - Tây được chọn lọc, tiếp thu và vận dụng một cách tài tình, hợp lý, tạo cho di tích này có một phong cách riêng, sang trọng nhưng bình dị, gần gũi, tân kỳ mà không lạc lõng giữa khung cảnh làng quê yên ả bên dong sông Bình Thủy.
Với giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nhà cổ Bình Thủy đã được nhiều đạo diễn trong và ngoài nước tìm đến để lấy bối cảnh cho những bộ phim của mình.
Nổi tiếng nhất trong số này là phim "Người tình" của đạo diễn gạo cội Jean Jacques Annaud (Pháp) với sự góp mặt của hai diễn viên nổi tiếng Lương Gia Huy và Jane March. Khi từ giã đất Cần Thơ về Pháp, J.J. Annaud thú nhận: “Tôi đã choáng ngợp trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này và mong muốn nhờ điện ảnh cho thế giới biết đến nơi đây”.
Nhiều bộ phim khác cũng từng được quay tại nhà cổ Bình Thủy như: Người đẹp Tây Đô, Bão U Minh, Bẫy ngầm, Đội nữ biệt động mùa thu, Dòng sông hoa trắng, Những nẻo đường phù sa, Công tử Bạc Liêu,... Dường như, nhà cổ Bình Thủy đã làm nổi bật lên chất đằm thắm, chân tình, hào phóng của vùng đất Nam Bộ trong các bộ phim nói trên.
Theo baovanhoa.vn