Đến Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, huyện Phong Điền vào ngày Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch năm 2.565 – Dương lịch 2021, khác với những năm trước, không khí có phần tĩnh lặng hơn. Buổi Lễ chỉ diễn ra nội bộ, với sự tham dự của đại diện hòa thượng, ni trưởng, thượng tọa, ni sư, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Cần Thơ, Ban trị sự Phật giáo 19 quận, huyện và một số phật tử.
Nghi thức Đại lễ Phật đản diễn ra nội bộ, quy mô nhỏ nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19
Được biết, thực hiện tinh thần nhập thể của Phật giáo, Phật giáo thành phố Cần Thơ với quá trình 38 năm hình thành, phát triển đã phát huy tốt tinh thần “hộ quốc an dân”. Nhiều tăng ni, Phật tử tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động; tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội như: xây nhà tình thương, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ nhân đạo, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí...
Theo số liệu báo cáo sơ kết quý I, tính đến ngày 23/3/2021, Phật giáo thành phố Cần Thơ đóng góp cho các hoạt động từ thiện xã hội với số tiền gần 9 tỷ đồng. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Phật giáo Cần Thơ cùng chung tay phòng, chống dịch bằng các việc làm cụ thể và hiệu quả. Nối tiếp hiệu quả đó, tuần lễ Phật đản năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn các cấp, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước nắm sát tình hình địa phương với tinh thần chống dịch cao nhất.
Theo Thượng tọa Lý Hùng - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi thành phố Cần Thơ, Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây, quận Ninh Kiều, thông lệ hàng năm, vào ngày Đại lễ Phật đản người dân sẽ đến chùa lễ Phật, tuy nhiên, năm nay không khí ở các chùa khá trầm lắng, người dân được khuyến khích tự lễ phật tại nhà hoặc nếu đến chùa phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Thượng tọa Lý Hùng, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi thành phố thực hiện Nghi lễ tắm Phật cùng lãnh đạo thành phố tại chùa Khánh Quang, quận Ninh Kiều
Tại một số chùa trên địa bàn thành phố Cần Thơ thường được người dân đến tham dự Đại lễ Phật đản hàng năm như: chùa Khánh Quang, Tịnh xá Ngọc Minh, chùa Bửu Trì, chùa Quang Đức, chùa Phước An… thì số lượng người đến lễ Phật năm nay cũng ít hơn rất nhiều so với những năm trước.
Chị Nguyễn Thị Thúy Diễm, một Phật tử có mặt tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam chia sẻ, Đại lễ năm nay không tổ chức nhiều hoạt động, bản thân chị và mọi người đến chùa cũng ý thức về đợt dịch lần này phức tạp nên không đi lại nhiều và chỉ tham dự một vài lễ chính.
"Mọi người khi đến chùa đều được các sư thầy nhắc nhở mang khẩu trang và giữ khoảng cách. Tôi cũng tuân thủ các biện pháp để đảm bảo an toàn. Tôi nghĩ quan trọng nhất là trong tâm mình có Phật, việc đến chùa nếu được thì tốt, không được thì thôi, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như thế này", chị Thúy Diễm chia sẻ.
Theo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ, trụ trì các chùa, cơ sở tự viện có trách nhiệm chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc không để xảy ra các tình trạng tập trung đông người trong Đại lễ Phật đản. Đặc biệt, theo Hòa thượng Thích Giác Nhường, Phó Pháp chủ kiêm Chánh Luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Minh, quận Ninh Kiều, Cần Thơ, điểm mới trong chỉ đạo của Giáo hội lần này là trụ trì các chùa sẽ phải chịu trách nhiệm trước Giáo hội và pháp luật nếu để xảy ra các tình trạng không kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Do vậy, tại một số chùa, chư tôn đức làm lễ khai kinh và trực tuyến qua các trang mạng xã hội để các Phật tử và những người yêu mến đạo Phật có thể theo dõi. Đây chính là hành động thiết thực nhất trong lúc này, vừa chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ chúc mừng và bày tỏ sự tin tưởng vào Giáo hội Phật giáo Cần Thơ trong việc cùng phòng chống dịch Covid-19
Hòa thượng Thích Giác Nhường cho biết thêm: "Hình thức bên ngoài tổ chức chỉ là phương tiện thôi, không có mang ý nghĩa nhiều. Bên Phật giáo chúng tôi tùy nhân duyên, hoàn cảnh chứ không có cố định, mục đích làm sao mang lại sự an vui, hạnh phúc cho nhân dân, cho đồng bào, cho đất nước, quê hương của mình là tốt nhất".
Với những việc làm thiết thực phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo thông bạch cũng như thông báo của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và các công văn có liên quan của UBND thành phố Cần Thơ, các tổ chức tôn giáo, cơ sở tự viện trên địa bàn đang phát huy mạnh mẽ phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”, góp phần cùng với thành phố Cần Thơ nói riêng, cả nước nói chung thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” - vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Hồng Phương / VOV ĐBSCL
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |