Nem Bùi
Nem Bùi, còn được gọi là nem thính, có nguồn gốc từ làng Bùi Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nghề làm nem ở đây đã có hàng trăm năm, và lâu nay, nem Bùi đã trở thành món ăn vặt ngon nổi tiếng của vùng kinh Bắc.
Nem Bùi – món ăn dân dã ở Bắc Ninh. Ảnh: dulich.vnexpress.net
Nguyên liệu làm món nem Bùi là phần thăn và phần mỡ gáy của giống lợn ỉ đen, mõm ngắn, lưng gẫy hình yên ngựa. Thịt được thái bản mỏng như tờ giấy, sau đó đem hấp cách thủy khoảng 10 đến 15 phút, rồi nêm gia vị và trộn với thính. Bước cuối cùng là nén chặt nem thành quả nhỏ bọc trong một lớp lá sung và lá chuối. Nem Bùi không cần dùng nước chấm vì đã có đủ gia vị. Tuỳ khẩu vị mà thực khách có thể chấm tương ớt, hay dùng để nhắm bia.
Bánh khúc làng Diềm
Bánh khúc là một đặc sản nổi tiếng của vùng kinh Bắc, có xuất xứ từ xã Hoà Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Sở dĩ có tên bánh khúc là vì nguyên liệu chính để làm vỏ bánh là rau khúc.
Bánh khúc làng Diềm thường có 2 hình dạng: tròn như bánh rán hoặc hình tai voi. Ảnh: thegioidisan.vn
Bánh khúc làng Diềm có 2 loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân hành gồm có hành khô, mộc nhĩ, hạt tiêu, răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn với nhau. Trong khi bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, béo của thịt mỡ và thơm của hạt tiêu.
Bánh tẻ làng Chờ
Ai từng ăn bánh tẻ hay còn gọi là bánh răng bừa, một thứ quà quê nổi tiếng của thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, sẽ không thể nào quên được vị ngọt từ thịt, mùi thơm của hành, cái giòn của mộc nhĩ và sự dẻo thơm của bột bánh.
Bánh tẻ là món không thể thiếu trong các mâm cỗ và các dịp lễ Tết của người dân làng Chờ, Bắc Ninh. Ảnh: khamphadisan.com
Bánh tẻ làng Chờ ngon đặc biệt là nhờ công nghệ làm vỏ bánh gia truyền, với nhiều công đoạn phức tạp, khiến bánh làm ra vừa mịn, vừa giòn, lại có vị đậm, vị béo của nhân, kết hợp mùi thơm của lá, không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được.
Cháo thái Đình Tổ
Cháo thái Đình Tổ có cách nấu rất độc đáo. Gạo ngâm được xay nhuyễn rồi trộn với nước, vo thành một cục to. Nước dùng để nấu cháo thường là nước ninh thịt gà hoặc thịt lợn. Khi nồi nước dùng sôi, người ta dùng dao thái cục bột thành lát mỏng cho rơi xuống nồi. Khi cháo chín, cho hành hoa, hạt tiêu, mắm, muối vừa ăn, thịt gà, thịt lợn nhừ có trong cháo, tất cả gia vị được quyện chung vào nhau tạo nên nồi cháo vừa lạ, vừa ngon miệng.
Bột được thái vào nồi nước dùng đang sôi. Ảnh: vtv.vn
Không giống như các loại cháo khác thường được ăn bằng thìa, người dân làng Đình Tổ dùng đũa để thưởng thức món ăn này.
Bánh Phu Thê Đình Bảng
Không dậy hương thơm như bánh rán, bánh khúc, nhưng bánh phu thê Đình Bảng lại hấp dẫn thực khách bằng những sắc màu nổi bật.
Bánh phu thê có màu vàng trong như hổ phách. Ảnh: Hoàng Huế
Bánh phu thê Đình Bảng dùng quả dành dành để tạo màu, vừa tự nhiên, vừa tạo được hương vị đặc biệt. Nhân bánh gồm đỗ xanh, nếp cái hoa vàng, đu đủ, đường trắng, cùi dừa, hạt sen và các hương ngũ vị. Lớp vỏ bánh được rắc vừng.
Khi ăn, thực khách cảm nhận được vị dẻo thơm của gạo nếp cái hoa vàng, dai dai, giòn giòn của sợi đu đủ, quện với vị bùi bùi, ngậy ngậy của nhân bánh, khiến cả những thực khách khó tính nhất cũng phải hài lòng.
Lan Hương