Tỉnh Quảng Nam nằm ở vị trí trung độ của cả nước, mang đặc điểm tổng hợp các yếu tố địa lý của vùng lục địa hải đảo là núi - đồi - châu thổ - biển, diện tích tự nhiên khoảng 10.406 km2, trong đó diện tích đồi gò và rừng núi chiếm 3/4 đất đai. Phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, phía Tây giáp CHDCND Lào, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Dân số tỉnh Quảng Nam gần 1,5 triệu người; toàn tỉnh có 18 huyện, thành phố, trong đó 2 thành phố là Tam Kỳ và Hội An, 7 huyện đồng bằng và 9 huyện miền núi.
Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, tài nguyên văn hóa với 307 di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng, danh thắng (trong đó 48 di tích quốc gia, 256 di tích cấp tỉnh, hai di sản văn hoá thế giới - di tích quốc gia đặc biệt là Phố cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm); các đặc sản nổi tiếng như quế Trà My, tiêu Tiên Phước, lòn bon Đại Lộc, yến sào Hội An...; các làng nghề truyền thống, lễ hội văn hoá dân gian đã hiện diện trên mảnh đất Quảng Nam trên 500 năm. Cư dân Quảng Nam, bên cạnh dân tộc Kinh chiếm đa số, trên địa bàn tỉnh còn có 4 dân tộc thiểu số Cơ tu, Co, Xơ đăng, Giẻ-Triêng với dân số trên 90.000 người sinh sống ở dãy Trường Sơn, phía Tây của tỉnh.
Phố cổ Hội An
Văn hóa Quảng Nam còn có bề dày truyền thống, đó là sự đúc kết và phát triển liên tục của dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước. Quảng Nam là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, được hình thành từ rất sớm với cộng đồng dân cư đã từng nối tiếp sinh sống và sáng tạo các giá trị văn hoá mang đậm sắc thái địa phương, được nối tiếp và phát triển từ thời Tiền - Sơ sử với nền văn hoá tiền Sa Huỳnh đến Văn hoá Sa Huỳnh, biểu hiện qua nhiều di chỉ khảo cổ học được khai quật trên đất Quảng Nam từ miền núi đến đồng bằng, miền biển: Bàu Dũ, Bàu Trám, Bãi Ông, Bãi Làng, Quế Phước, Tiên Hà, Mậu Hoà, Hậu Xá, Đại Lãnh, Lai Nghi, Thạnh Mỹ... có niên đại cách đây khoảng 6.000 - 8.000 năm. Đặc biệt, nền văn hoá Champa từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XIV với nhiều di tích, trong đó Khu Đền tháp Mỹ Sơn - Di sản Văn hoá Thế giới cùng với các tháp Bàng An, Chiên Đàn, Khương Mỹ là sự phát triển rực rỡ nhất của đỉnh cao nghệ thuật Champa.
Truyền thống lịch sử - văn hoá của Quảng Nam được giao thoa, đan xen, tiếp biến, kế thừa và hội tụ với các nền văn hoá Trung Hoa, văn hoá Ấn Độ, nhất là nền văn hoá Đại Việt trong tiến trình dân tộc mở đường về phương Nam (từ năm 1471, Vua Lê Thánh Tông thành lập Quảng Nam Thừa tuyên đạo đến thời kỳ các Chúa Nguyễn khai phá, khẩn hoang, xây dựng Trấn Quảng Nam), trong đó biểu hiện nổi bật là Phố cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới, là thương cảng phồn thịnh nhất Đàng Trong, có sự giao lưu với các nền văn hoá Trung Hoa, Nhật Bản và văn hoá phương Tây trong quá trình giao thương thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII.
Đền tháp Mỹ Sơn
Với vị trí địa lý và quá trình phát triển lịch sử, Quảng Nam đã chọn lọc, kế thừa, phát huy các yếu tố bên ngoài, kết hợp với văn hoá bản địa, văn hoá nội sinh tạo ra những giá trị văn hoá vừa có cội nguồn từ nền văn hoá Việt Nam, vừa có sắc thái địa phương. Quá trình hình thành và phát triển, Quảng Nam là vùng đất “yết hầu”, “đầu sóng ngọn gió”, là “phên dậu phía Nam” của Quốc gia Đại Việt, đã tạo nên con người đất Quảng có tính cách, bản lĩnh vững vàng, trung thực, sáng tạo, yêu chính nghĩa, chuộng hoà bình, chịu đựng gian khổ, hy sinh quả cảm, tinh thần cao thượng, nhân ái, cần cù, hiếu học. Đất Quảng Nam đã sản sinh cho đất nước nhiều danh nhân lịch sử trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, giáo dục, nghệ thuật như Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Huỳnh Ngọc Huệ, Võ Chí Công, Nguyễn Thị Bình...Quảng Nam là một trong những vùng đất học nổi tiếng cả nước với các danh hiệu “Ngũ tử đăng khoa”, “Ngũ phụng tề phi”, “Tứ hổ”, “Tứ kiệt”.
Quảng Nam - vùng đất có truyền thống yêu nước nhân dân trong tỉnh đã tham gia phong trào Tây Sơn, tiến quân ra Bắc góp phần làm nên chiến thắng Đống Đa, Khương Thượng, Ngọc Hồi, tiêu diệt 20 vạn quân Thanh. Đến giữa thế kỷ XIX, khi Triều đình nhà Nguyễn bắt đầu suy tàn, Liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta ở Đà Nẵng (1 - 9 - 1858), nhân dân Quảng Nam đã anh dũng kháng chiến, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của kẻ thù. Sau khi Triều đình Huế ký hiệp ước 1884, đầu hàng thực dân Pháp, hưởng ứng hịch Cần vương, dưới sự lãnh đạo của Trần Văn Dư, Nguyễn Huy Hiệu, Phan Bá Phiến, thành lập phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (1885 - 1887), xây dựng phòng tuyến Dương Yên, căn cứ Tân tỉnh (Trung Lộc), nổi dậy chống Pháp, đánh chiếm Trà Kiệu, La Qua và nhiều nơi trong tỉnh Quế Sơn, Thăng Bình, Điên Bàn, Hà Đông, Duy Xuyên. Nghĩa hội Quảng Nam là bộ phận duy nhất của cả nước làm cho bộ máy chính quyền kẻ thù tan rã. Đầu thế kỷ XX, Quảng Nam trở thành ngọn cờ đầu của phong trào yêu nước, năm 1904, tổ chức cách mạng Đông Du do Phan Bội Châu thành lập ở Quảng Nam. Năm 1906, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... sáng lập phong trào Duy Tân, kêu gọi canh tân để chống Pháp. Năm 1908, không chịu sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến, Quảng Nam là nơi phát khởi phong trào chống sưu thuế và sau đó lan toả trong 10 tỉnh miền Trung. Năm 1916, với phong trào Việt Nam Quang phục hội, tại Quảng Nam đã chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Thái Phiên, Trần Cao Vân làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.
Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm
Những năm 1925 - 1927, bùng nổ các cuộc vận động chính trị, đòi dân sinh dân chủ ở Quảng Nam, tiến tới thành lập các tổ chức cách mạng. Tiếp thu tư tưởng “Đường cách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, năm 1927 ở Quảng Nam đã sớm thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội và các chi bộ trong tỉnh; năm 1926, Chi bộ Đảng Tân Việt được thành lập; ngày 28 - 3 - 1930 BCH lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tại Quảng Nam và tiếp theo đó các tổ chức Đảng cũng lần lượt được thành lập ở các huyện, đánh dấu thời kỳ đấu tranh dân tộc dân chủ dưới ngọn cờ của Đảng. Các tầng lớp nhân dân Quảng Nam hăng hái tham gia tổ chức các quần chúng cách mạng Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ, Cứu tế Đỏ (1930 - 1931); Thanh niên Dân chủ, Thanh niên phản đế, Phụ nữ Tân tiến (1936 - 1941), Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc (1941 - 1945) để cùng lúc với Hà Nội, Quảng Nam vùng lên tổng khởi nghĩa cướp chính quyền vào ngày 19 - 8 - 1945.
Trong kháng chiến chống Pháp, Quảng Nam giữ vững vùng tự do, hậu phương vững chắc của tỉnh, của Khu và chi viện cho tiền tuyến chiến trường Bắc Tây Nguyên, Hạ Lào, Đông Campuchia. Quảng Nam cùng quân dân cả nước đánh bại các chiến dịch lấn chiếm của Pháp (1946 - 1947), tiêu biểu là trận Hải Vân (1946), phối hợp với chiến trường cả nước tấn công tiêu diệt địch, làm nên Chiến thắng Thu Bồn (18 - 8 - 1949), đường 104 (16 - 5 - 1953), Bồ Bồ (19 - 7 - 1954) góp phần kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến. Sau Hiệp định Giơnevơ, nhân dân Quảng Nam lại phải đương đầu với kẻ thù lớn nhất và tàn bạo nhất, liên tiếp các vụ thảm sát Chợ Được (5 - 9 - 1954), Chiên Đàn (23 - 9 - 1954), Cây Cốc (27 -9 - 1954), Khánh Thọ (10 - 1954), Vĩnh Trinh (1955), Sơn Cẩm Hà (tháng 12 - 1955) đã xảy ra. Năm 1959, kẻ thù lê máy chém đi khắp miền Nam, thực hiện “tố cộng, diệt cộng” mà Quảng Nam là một trong những trọng điểm ở miền Nam. Nhân dân Quảng Nam đã đứng lên cầm súng, mở đầu là cuộc khởi nghĩa vũ trang làng Ông Tía (13 - 3 - 1960), từ đó chuyển phong trào đấu tranh chính trị sang đẩy mạnh ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, cùng cả nước đưa địch đến tình thế nguy kịch, kế hoạch chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ (1961 - 1965) bị phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình hình, Mỹ đưa quân viễn chinh ào ạt vào miền Nam, Quảng Nam là vùng trọng điểm với căn cứ liên hợp quân sự Chu Lai - Đà Nẵng, nhân dân Quảng Nam lại chịu nhiều đau thương qua hàng loạt cuộc truy lùng, càn quét, đánh phá ác liệt của kẻ thù nhưng vẫn sắc son, quyết tâm cùng cả nước đánh thắng giặc xâm lược.
Vườn tiêu Tiên Phước
Phát huy chiến công, quân và dân Quảng Nam đẩy mạnh chiến tranh nhân dân toàn diện, liên tiếp bẽ gãy nhiều đợt chống càn, lập nên những chiến công vang dội như: Điện Ngọc (24 - 4 - 1962), Điện Bàn " Nhất Củ Chi, Nhì Gò Nổi" ở miền Nam, Thuỷ Bồ (21 - 1 - 1967), và nhiều cuộc tấn công tiêu diệt địch ở Mộc Bài (3 - 1 - 1967), Hương An - Bà Rén (24 - 2 - 1967), Cấm Dơi (18 - 8 - 1972), Nông Sơn - Trung Phước (17 - 7 - 1974), Thượng Đức (7 - 8 - 1974), tiến tới cùng miền Nam tổng tấn công nổi dậy làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày thống nhất đất nước, Quảng Nam ra sức khắc phục khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững chính trị, an ninh quốc phòng và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, các công trình phục vụ dân sinh được xây dựng như Đại thuỷ nông Phú Ninh, thuỷ điện An Điền, hồ La Nga - Cao Ngạn và nhiều công trình giao thông, điện, cơ sở hạ tầng... Đầu năm 1997, Quảng Nam được tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau hơn 10 năm chia tách, tỉnh Quảng Nam đã nổ lực, phấn đấu đạt nhiều thành tựu kinh tế xã hội, đã hình thành 5 khu công nghiệp, 32 cụm công nghiệp quy hoạch tập trung thu hút nhiều dự án đầu tư với trên hàng trăm nhà máy hoạt động, thu hút trên 40 ngàn lao động, nổi bật là Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Khu Kinh tế mở Chu Lai, Sân bay Chu Lai, Cảng Kỳ Hà với nhiều triển vọng phát triển. Quảng Nam hiện có 1.078 doanh nghiệp với tổng vốn 2.800 tỷ đồng. Có 163 dự án du lịch đầu tư và đăng ký, trong đó 78 dự án đã đi vào hoạt động. Khách du lịch trong và ngoài nước đến Quảng Nam ngày càng nhiều, trên 1 triệu lượt khách du lịch/năm. Hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch có 74 khách sạn, trong đó 6 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao. Nhiều khu du lịch được đầu tư phát triển như Khu du lịch Phú Ninh, Tam Thanh, Suối Tiên, Mỹ Sơn-Thạch Bàn, Cù lao Chàm, đồi Bồ Bồ, Công viên Văn hoá Du lịch Hội An.
Yến sào - đặc sản nổi tiếng của Hội An
Những thành tựu to lớn đó đã làm chuyển biến sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra thế và lực trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hoá, cùng với truyền thống lịch sử văn hóa, là tiền đề để Quảng Nam tiếp tục ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với thế giới. Những năm qua, bộ mặt nông thôn và đô thị chẳng những có thay đổi mà Quảng Nam còn được xem là một trong những địa phương nằm trong vùng kinh tế động lực của miền Trung.
Theo thegioidisan.vn