Khi bước chân đến làng chài Xuân Hải, thuộc thị xã Sông Cầu, Phú Yên mới cảm thấy thú vị. Bởi có lẽ đây là làng chài có nhiều thuyền thúng nhất trong các làng chài. Gọi là thuyền thúng bởi chiếc thuyền tròn, giống như cái thúng. Lịch sử chiếc thuyền thúng ra đời cũng từ thời Pháp thuộc, khi đó người Pháp đánh thuế nặng vào thuyền đánh cá, nên ngư dân nghĩ ra chiếc thuyền thúng.
Dọc bờ biển dài hơn 3.000km của Việt Nam, nhiều nhất là miền Trung, thuyền thúng giúp cho việc di chuyển trên biển nhanh chóng, điều khiển dễ dàng và đánh bắt gần bờ thuận lợi. Đặc biệt là khi không hoạt động hoặc gặp bão lũ, chiếc thuyền đã được đưa sâu vào trong bờ.
Lúc đầu, thuyền thúng được đan bằng tre, trét dầu rái nên gọi là thúng chai, điều khiển cơ động bằng mái chèo. Rồi với trí thông minh của những ngư dân và phù hợp với sự phát triển, thuyền thúng ở Xuân Hải nay có đường kính từ 2-3 mét, một diện tích rộng, điều khiển bằng máy và làm bằng nhựa composit. Chiếc thuyền thúng ở Xuân Hải cơ động, bên dưới lót ván, ngăn ô, chứa ngư lưới cụ như một chiếc thuyền thường.
Theo lời kể của người dân địa phương thì ngày xưa làng chài Xuân Hải cũng dùng các thuyền gỗ bình thường để ra khơi đánh bắt. Sau đó vài hộ dùng thuyền thúng, thuận lợi, thế là gần như ngoài những chiếc thuyền lớn đánh bắt xa, nay cả 300 hộ dân tại đây nhà nào cũng có một chiếc thuyền thúng. Với giá thành từ 10-15 triệu đồng cho một chiếc thuyền thúng, việc sắm sửa chiếc thuyền không quá khó khăn nữa.
Trong cuộc hành trình dọc Bắc Nam, khi qua khỏi Quy Nhơn, giáp ranh Sông Cầu, chắc chắn du khách không thể nào không dừng chân để ngắm nhìn làng chài thuyền thúng độc đáo ở miền Trung này. Độc đáo bởi sau khi ra khơi từ tờ mờ sáng, các ngư dân đưa thuyền vào bờ cho kịp phiên chợ sớm. Cá đánh lưới được thu mua tại bến, đưa đi khắp nơi.
Còn những chiếc thuyền giống như những ô tròn sơn màu xanh, có chiếc neo ngoài biển, có chiếc xếp hàng dài dọc theo bãi biển, tạo ra một bức tranh rất đẹp và không kém phần lãng mạn. Có khi khách tò mò, dạo chen giữa những chiếc thuyền thúng, tự hỏi với những chiếc thuyền thúng giống nhau như thế, làm sao biết chủ nhân?
Và lại sẽ bật cười khi thấy trên mỗi chiếc thuyền thúng đều có ghi tên chủ nhân, bên dưới là số điện thoại. Tên có thể trùng nhau, nhưng số điện thoại thì không trùng. Ghi tên và số điện thoại chủ nhân trên chiếc thuyền thúng còn là một cách tạo “hộ khẩu”. Bởi nếu chẳng may thuyền đứt neo, hay bão lũ làm trôi dạt đến nơi nào đó, người gặp chiếc thuyền chỉ cần gọi vào số điện thoại là chủ nhân của chiếc thuyền sẽ tới nhận.
Vào một buổi sáng đẹp trời, lạc bước giữa làng biển Xuân Hải, ngắm nhìn những chiếc thuyền thúng đang phơi mình trên bãi biển, tôi cũng muốn leo lên một chiếc thuyền thúng, để tận hưởng cảm giác chao nghiêng cùng sóng biển và cảm giác phấn khởi khi mẻ lưới đầy ắp cá.
Theo Petro Times
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |