Theo tài liệu về Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố Đình Thường Thạnh, ngay từ những năm đầu thế kỷ XIX, người dân vùng Thường Thạnh đã cất một ngôi miếu nhỏ để thờ cúng thần linh. Vị trí ngôi miếu ấy giờ là Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, quận Cái Răng ngày nay. Năm 1832, các vị bô lão và dân làng dời ngôi miếu về vị trí của Đình Thường Thạnh bây giờ.
Năm 1939, ngôi miếu được lấy tên là Đình Thường Thạnh. Trải qua nhiều lần xây cất, trùng tu, ngôi đình hiện nay rất khang trang, có kiến trúc đặc trưng đình làng Nam Bộ với võ ca, tiền điện, chánh điện, nội thất thờ cúng được bày trí tôn nghiêm. Năm 2008, UBND TP Cần Thơ ra quyết định công nhận Đình Thường Thạnh là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố.
Đình Thường Thạnh còn được người dân trong vùng quen gọi là Đình Nước Vận. Có thể hiểu, Thường Thạnh là địa danh hành chính cấp làng xã; còn Nước Vận là một vùng đất nhỏ, trong trường hợp này là khu vực gần ngôi đình.
Hiện nay, gần Đình Thường Thạnh cũng có cầu Nước Vận. Theo các vị bô lão giải thích, gần chân cầu Nước Vận, xéo mặt tiền Đình Thường Thạnh là ngã ba giáp nước. Nơi đây hội tụ các dòng thủy lưu tạo nên vùng nước xoáy mạnh, dân gian gọi là nước vận. Thử tìm đến chỗ nước xoáy, hái một chiếc lá cây thả xuống, lá cây sẽ cuộn xoáy với tốc độ chóng mặt.
Các bậc cao niên còn cho biết, do quá trình đô thị hóa làm cản trở dòng chảy, nước vận giảm lực chứ trước kia điểm nước vận ở đây nguy hiểm lắm, ghe xuồng không biết, đi vào có thể bị lật chìm. Có thể chăng, vì sự nguy hiểm này mà tiền nhân đã chọn nơi đây để cất đình thần, như một sự cầu mong thần linh yểm trợ, phù hộ bình yên cho dân chúng?
Bạch Hổ làng Thường Thạnh
Chuyện xưa kể rằng, làng Thường Thạnh xưa kia là vùng đất hoang vu, rừng rậm, thú dữ hoành hành. Thời Chúa Nguyễn Ánh chạy trốn sự truy đuổi của nhà Tây Sơn, ông đã đưa quân lính đến đây để trú ngụ lánh nạn. Được một thời gian, vì sợ bị phát hiện nên ông cho rút quân tiến thẳng về đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, một số tùy tùng của ông vì ngán sợ cảnh giết chóc, hiểm nguy nên tìm cách ở lại nơi này.
Thời gian trôi qua, lương thực đã hết nên họ chỉ còn biết săn bắt để sống qua ngày. Họ tìm cách thoát khỏi vùng đất này nhưng không làm sao được. Rủi thay, dịch bệnh tấn công mà thú dữ lại hoành hành khôn xiết khiến mọi người thêm bế tắc. Đêm nọ, có người nằm chiêm bao thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, tay chống gậy, xưng mình là chúa tể sơn lâm trấn giữ vùng đất này.
Sách “Truyện dân gian Cần Thơ” thuật lại lời ông lão: “Vì thấy mọi người đang gặp kiếp nạn, nên ta đến đây mách bảo cứu cho sống sót. Hãy lấy vỏ cây cổ thụ bên kia mà đâm uống, bệnh sẽ hết. Phải lập miếu tôn thờ Bạch Hổ, thú dữ không dám đến quấy nhiễu nữa. Cố gắng chờ vào đầu mùa thu sẽ có người đến cứu ra”.
Tỉnh dậy, người này thuật lại với mọi người và cùng nhau làm theo lời báo mộng. Quả vậy, ai bị bệnh đều khỏe mạnh lại như thường, thú dữ cũng chẳng còn đến quấy phá, đe dọa. Ngôi miếu thờ Bạch Hổ được dựng lên ngay sau đó với lòng biết ơn đấng siêu nhiên phù trợ.
Đến đầu mùa thu, trong lúc đang đi săn, nhóm người này thấy một nhóm người khác đang đi ở đầu kinh (tương truyền chỗ ngã ba Nước Vận ngày nay, gần Đình Thường Thạnh) thì vội đốt lá hun khói báo hiệu, xin được giúp đỡ.
Sau đó, vì thấy vùng đất này dễ bề làm ăn nên từng tốp người tới khẩn hoang, mở đất, khai cơ, lập làng. Câu chuyện giấc mơ về thần Bạch Hổ lưu truyền hậu thế. Ai tới đây buôn bán hay lập nghiệp đều lễ tạ Bạch Hổ và cầu xin mọi điều tốt lành. Tục lệ đó còn truyền tới bây giờ. Ngay mé rạch trước Đình Thường Thạnh hiện nay vẫn còn có miếu thờ Thần Hổ, lập mới hồi năm Bính Tý 1996. Hai bên miếu có đôi câu đối ca ngợi công đức Sơn Quân: “Oai trấn sơn lâm vang dội tiếng/ Trừ gian diệt ác độ hiền nhân”.
Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung
Tín ngưỡng thờ Mẫu có ở hầu khắp các địa phương của nước ta. Riêng ở Nam Bộ, tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ làm nên sắc thái riêng, với các ngôi miếu thờ, điện thờ... Bà Chúa Xứ có thể hiểu là Bà Chúa của xứ sở, thường gắn với địa danh nơi thờ, ví dụ như Bà Chúa Xứ Núi Sam, Bà Chúa Xứ Bàu Mướp (An Giang), Bà Chúa Xứ Gò Tháp (Đồng Tháp)... Vậy nhưng, trong khuôn viên Đình Thần Thường Thạnh, có miếu thờ Bà Chúa Xứ, dân gian gọi là Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung. Thật ra, cách gọi Bà Chúa Xứ hay Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung thì không khác nhau về nội hàm.
Các vị bô lão làng Thường Thạnh kể lại rằng, xưa kia, ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ nằm đối diện bên kia sông Đình Thường Thạnh bây giờ, chỉ là ngôi miếu nhỏ bằng cây lá. Hồi đó, dân làng Thường Thạnh còn cực khổ lắm, thú dữ hoành hành, việc trồng trọt, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, lại thêm nạn cướp bóc...
Ngày nọ, một vị bô lão trong làng nằm ngủ thấy mộng lạ: Một nữ tướng oai phong lẫm liệt, tay cầm giáo ngồi ngựa phi nước đại, phía sau là cả đạo quân gươm giáo trên tay. Nữ soái đến trước mặt ông và nói: “Ta là tướng soái Nguyên Nhung được lệnh đến đây trấn giữ vùng đất này, độ hộ dân làng Thường Thạnh tránh khỏi nạn kiếp hiểm nghèo. Nhà người hãy cùng dân làng lập ngay cái miếu để ta cùng quân lính tạm trú, xua đuổi giặc giã cướp phá ra khỏi vùng đất này” (theo “Truyện dân gian Cần Thơ”).
Theo lời của nữ tướng, dân làng Thường Thạnh có được cuộc sống an bình, thịnh vượng. Ngôi miếu nhỏ được dựng lên, sớm hôm khói hương. Đến năm Tự Đức ngũ niên 1852, vua sắc phong “Bổn Cảnh Thần Hoàng” cho Đình Thường Thạnh. Ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ được dời về trong khuôn viên Đình Thường Thạnh để bà con thuận tiện đến lễ bái.
Tới bây giờ, người dân làng Thường Thạnh vẫn nhắc đến sự oai linh, thiêng liêng của Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung với rất nhiều câu chuyện ly kỳ. Việc trong khuôn viên ngôi đình làng lại có ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ là hiện tượng tín ngưỡng dân gian lý thú ở Nam Bộ. Đó là sự kết hợp giữa tín ngưỡng thờ Thần Hoàng và thờ Mẫu - Bà Chúa của xứ sở.
Trước chánh môn miếu Bà hiện tại, có đôi câu đối: “Thiên thu xuân sắc hội thần tiên/ Vạn cổ đào hoa cung cửu phẩm”. Vào dịp Kỳ yên Đình Thần Thường Thạnh, đều có tổ chức cúng Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung rất trọng thể. Cũng như cổ lệ, cúng bà có múa bóng rỗi. Nghệ nhân vừa hát tụng ca Bà, vừa múa mâm vàng, bông huệ, lông công hay khạp... tài nghệ rất điêu luyện.
Huyền tích xưa gợi nhớ về thời khẩn hoang của một vùng đất Thường Thạnh, Cần Thơ. Đằng sau câu chuyện mang màu sắc tâm linh ấy là khát vọng về một cuộc sống bình yên, an cư lạc nghiệp của tiền nhân trong bối cảnh dịch bệnh triền miên, rừng thiêng nước độc, thú dữ nhiễu nhương.
Theo Báo Cần Thơ
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |
Chiều 20/7, tại Cần Thơ, UBND thành phố phối hợp cùng Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia tổ chức xúc tiến quảng...
Trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” năm 2022, UBND quận Cái Răng, TP Cần Thơ đã phối...
Chiều nay 21/4, UBND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ tổ chức họp báo về hoạt động ra mắt tuyến phố đi bộ vào dịp...
Sau lễ khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng vào tối ngày 6/4, từ ngày 7/4, công trình mở cửa đón người dân...
Trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ IX tại Cần Thơ, Hội thi Bánh dân gian Nam bộ năm 2022...
Tối 7/4, tại quảng trường Bình Thủy, Cần Thơ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND TP. Cần Thơ...
Sau một thời gian dài dừng hoạt động vì dịch bệnh, ngày 19/2, tàu cao tốc Mai Linh Express đã tái khởi động...
Sáng 7/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức các hoạt...
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, TP Cần Thơ sẽ không tổ chức đường hoa...
Trong bối cảnh chịu sự tác động của dịch Covid-19, các nền tảng số, ứng dụng trực tuyến là một gợi ý cho...
Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ vừa thông báo mở lại hoạt động tuyến vận tải hành khách cổ định liên tỉnh...
Hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Cần Thơ đã không chịu đầu hàng dịch bệnh, đang chủ động chuyển...